Ngày 2-12, trở về Pháp sau kỳ hội nghị G20 ở Argentina, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay ngay xử lý cuộc biểu tình kinh hoàng nhất ở Pháp trong khoảng một thập niên nay và kinh hoàng nhất Paris từ năm 1968 đến nay.
Cuộc biểu tình ở thủ đô Paris diễn ra từ ngày 17-11, phản đối tăng giá xăng và chi phí sinh hoạt ở Pháp. Chuyện tăng giá xăng được ông Macron lý giải là để ngăn chặn biến đổi khí hậu, theo CBS News.
Xe bị phóng hỏa ở Paris, ngày 2-12. Ảnh: GETTY IMAGES
Biểu tình xảy ra chủ yếu ở thủ đô Paris và một số nơi ở Pháp. Khắp Paris, người biểu tình phóng hỏa hàng loạt xe cộ, đập phá cửa kiếng, cướp phá cửa hàng, dùng sơn xịt vẽ khắp nơi. Cảnh sát phải dùng hơi cay, vòi rồng trấn áp.
Có tới 112 ô tô bị đốt ở Paris. Ảnh: GETTY IMAGES
Cụ thể, cảnh sát thống kê có tới 250 đám cháy ở Paris, gồm sáu tòa nhà - ngân hàng, nhà hàng, cửa hàng, hơn 130 cơ sở hạ tầng giao thông và 112 ô tô bị đốt. Tổng thiệt hại vẫn đang được đánh giá.
Xe bị phóng hỏa trong cuộc biểu tình. Ảnh: REUTERS
Cảnh sát nhận định đây là đợt biểu tình bạo lực “chưa có tiền lệ”, khi người biểu tình dùng búa, các dụng cụ làm vườn, đá… để đối đầu với cảnh sát. Tổng cộng cảnh sát đã bắn ra khoảng 10.000 loạt hơi cay, phun 134.000 lít nước vào người biểu tình, CBS News dẫn thống kê cảnh sát Paris cho biết.
Cảnh sát đã bắn 10.000 loạt hơi cay vào người biểu tình. Ảnh: GETTY IMAGES
Ít nhất ba người biểu tình thiệt mạng trong ba tuần biểu tình, tất cả đều do tai nạn giao thông xuất phát từ các chướng ngại vật do chính người biểu tình dựng lên. Có hơn 260 người bị thương, trong đó một nửa - 133 người bị thương ở Paris gồm cả 23 cảnh sát. Tính tới tối 2-12, cả nước Pháp có 412 người bị bắt, trong đó có 378 người bị bắt ở Paris.
Người biểu tình “áo vàng” tại khu vực Khải Hoàn Môn. Ảnh: GETTY IMAGES
Một lượng lớn người biểu tình mặc áo khoác phản quang màu vàng. Trong thành phần biểu tình có nhiều nhân vật cựu hữu và cả cực tả, cực đoan. Trong khi cảnh sát Pháp bận rộn dọn dẹp hậu quả ở khắp Paris (đặc biệt ở đại lộ Champs-Elysees và một số địa điểm nổi tiếng khác ở Paris) thì các lãnh đạo biểu tình đang kêu gọi duy trì biểu tình suốt tuần này.
Đây là cuộc biểu tình bạo lực nhất Paris trong 50 năm nay. Ảnh: REUTERS
Cuộc biểu tình được xem là thách thức nội địa lớn nhất trước nay với nhiệm kỳ tổng thống ông Macron. Vài giờ sau khi máy bay chở ông hạ cánh xuống Paris, ông Macron đã tổ chức ngay một cuộc họp khẩn tại Điện Elysee.
Tại cuộc họp, ông Macron đã yêu cầu Bộ Nội vụ tính toán các biện pháp an ninh kiểm soát cuộc biểu tình. Ông Macron cũng yêu cầu Thủ tướng Edouard Philippe gặp lãnh đạo các đảng lớn ở Pháp và các đại diện đằng sau cuộc biểu tình.
Người biểu tình phóng hỏa và xung đột với cảnh sát ở TP Marseille, miền Nam Pháp ngày 1-12. Ảnh: AP
Người phát ngôn chính phủ Pháp Benjamin Griveaux cho biết chính phủ Macron đang cân nhắc ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ông Griveaux cho biết Tổng thống Macron cởi mở với đối thoại nhưng sẽ không đảo ngược các cải cách chính sách.
Ông Macron ngày 2-12 không phát biểu với dân chúng về cuộc biểu tình, dù có nhiều lời kêu gọi ông phải ngay lập tức nhượng bộ người biểu tình.