Lúc 11 giờ ngày 11-11 (Chủ nhật này), tại Paris (Pháp) sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm ngày chấm dứt cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), một trong hai cuộc chiến lớn nhất và tàn khốc, đẫm máu nhất thế giới trước nay.
Khoảng 19 triệu người đã chết trong cuộc chiến này, trong đó có 8 triệu binh sĩ. Chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt với một thỏa thuận được ký giữa khối Hiệp ước và Đức (thuộc phe Liên minh) vào Ngày đình chiến 11-11-1918.
Cuộc chiến này đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại - sự kết thúc của bốn đế chế châu Âu, sự lớn mạnh của chủ nghĩa cộng sản Xô viết và sự gia nhập của Mỹ vào sức mạnh chính trị toàn cầu.
Tham dự buổi lễ kỷ niệm quan trọng này sẽ có 70-80 lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các lãnh đạo sẽ có mặt ở Khải Hoàn Môn tại Paris vào thời điểm im tiếng súng 100 năm về trước.
Phần lớn cuộc chiến diễn ra trên đất Pháp và Bỉ. Nước Pháp đã khánh kiệt sau cuộc chiến này. Từ tối Chủ nhật rồi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt đầu chuyến đi sáu ngày thăm các chiến trường cuộc chiến. Một số lãnh đạo như Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Thủ tướng Anh Theresa May cũng sang Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tưởng niệm các chiến sĩ trận vong ở Morhange, tỉnh Moselle (Đông Bắc Pháp). Ảnh: EPA
Chủ nghĩa dân tộc bùng phát
Sự kiện kỷ niệm 100 năm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất đến trong bối cảnh làn sóng chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy trên toàn cầu, dễ thấy nhất là ở châu Âu. Năm 2016, tư tưởng này được thổi bùng thêm sau sự kiện Brexit - Anh muốn rời Liên minh châu Âu (EU). Tư tưởng chống liên minh thậm chí còn xuất hiện ở các nước mà trước đây chính trị không có chỗ cho thành phần dân túy, cực hữu. Châu Âu đang chia rẽ với hai nhóm chính phủ dân túy (như Ý, Anh, Ba Lan, Hungrary…) với nhóm chính phủ phi dân túy (như Pháp, Đức, Hà Lan…). Các cụm từ “Nước Ý trước hết”, “Hungary trước hết” xuất hiện thường xuyên hơn.
Washington Post dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát nhận định thế giới ngày nay khá giống với tình hình thế giới thập niên 1920. Thời điểm 1920, kinh tế và công nghệ phát triển mạnh nhưng kèm theo là chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy và sự hợp tác bị phá vỡ, dân chủ nhiều nơi bị kìm hãm vì các nhà độc tài như Benito Mussolini ở Ý.
Bối cảnh hiện tại cũng khá giống. Tăng trưởng kinh tế và công nghệ đã làm xuất hiện một số trung tâm quyền lực mới trên trường thế giới. Diễn biến gây ra tâm lý lo lắng ở nhiều nước từng được xem là trụ cột quyền lực và một bộ phận lớn người dân đặt niềm tin vào các nhân vật chính trị hứa sẽ bảo vệ họ.
Thế giới đang rạn nứt, đang xuất hiện sự hỗn loạn và châu Âu đang đối mặt cực đoan gần như mọi nơi và đang dần bị chủ nghĩa dân tộc lấn lướt. Chỉ những người bị chứng mộng du mới không nhìn thấy điều gì đang xảy ra quanh chúng ta. Không phải tôi. Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON |
Lịch sử để học, không phải để quên
Điều đáng ngại, theo CNN, chính các phong trào chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu là một nguyên nhân lớn dẫn tới hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Chính Tổng thống Pháp Macron cũng cảnh báo làn sóng chủ nghĩa dân tộc có thể sẽ kéo châu Âu quay lại thời điểm 100 năm trước.
Theo ông Macron, châu Âu đang bị chia rẽ vì sự sợ hãi, vì chủ nghĩa dân tộc và vì các hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế. Nói với báo Ouest-France ngày 8-11, ông Macron cho biết ông lo sợ khi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa thời điểm hiện tại và thời điểm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và thứ hai (1939-1945). Trước nghị viện châu Âu vài tháng trước, ông Macron cảnh báo không được quên những gì đã xảy ra trong quá khứ và châu Âu phải hành động để ngăn chặn. Câu nói của ông Macron trùng với cảnh báo của nhiều nhà quan sát chính trị rằng lịch sử không phải là một bộ phim Hollywood chỉ để xem rồi quên.
Có thể nhìn thấy quyết tâm chống tư tưởng chủ nghĩa dân tộc của ông Macron qua kế hoạch kỷ niệm ngày chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất. Buổi lễ ở điện Champs-Elysees chủ yếu nhằm ghi nhớ những người đã mất trong cuộc chiến chứ không phải mừng chiến thắng. Sau buổi lễ này sẽ là ba ngày Diễn đàn Hòa bình Paris nhằm “củng cố hợp tác đa phương và quốc tế”, góp phần ngăn chặn tư tưởng chủ nghĩa dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc là gì? Theo định nghĩa trong từ điển thì cụm từ này không hề có ý nghĩa tiêu cực: Người có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc là một người hết lòng và trung thành với đất nước. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc vận động trước bầu cử giữa kỳ mới đây cũng thừa nhận mình là người theo chủ nghĩa dân tộc, với ông quyền lợi nước Mỹ là trên hết. Ông Steve Bannon, từng là trưởng chiến lược gia Nhà Trắng của ông Trump, nói rõ ông Trump thắng vì chiến lược “kinh tế chủ nghĩa dân tộc”. Các chủ trương của ông về đối ngoại, thương mại, nhập cư cho thấy rõ quan điểm này. Nhưng hiện tại cụm từ này lại thường được gắn với những người theo phe cực hữu, người da trắng phân biệt chủng tộc. Nhiều ý kiến cho rằng chủ nghĩa dân tộc không phải là yêu nước, mà đó là sự cố chấp theo đuổi tư tưởng cho mình là vượt trội hơn và phân biệt chủng tộc, là sự thù ghét và bạo lực. Theo luồng ý kiến này, dân chủ không có chỗ cho chủ nghĩa dân tộc. |