Dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, nơi một đập phụ vỡ tối 23-7 làm ít nhất 26 người chết và 131 người mất tích tính đến ngày 25-7 là sự hợp tác giữa chính phủ Lào với hai công ty Hàn Quốc và một công ty Thái Lan.
Ngày 25-7, đối tác chính thực hiện dự án - Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK (Hàn Quốc) cho biết công ty đã phát hiện có vết nứt từ con đập phụ nhưng không cứu được và nó vỡ 24 giờ sau đó. Cả Công ty Xây dựng SK và Công ty Điện miền Tây Hàn Quốc đều cho rằng khả năng nguyên nhân đập bị vỡ là do mưa lớn.
Sơ tán người dân tại tỉnh Attapeu (Lào), ngày 24-7. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, ngày 25-7, GS địa lý Ian Baird tại ĐH Wisconsin-Madison và là một chuyên gia về Lào cho rằng mưa lớn không đủ là nguyên nhân gây ra thảm kịch.
“Điều quan trọng là phải thừa nhận thảm kịch không phải là thảm họa thiên nhiên. Vỡ đập là do quản lý kém hồ chứa nước của thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy. Lúc này đang là giữa mùa mưa, vì thế phải lường trước chuyện có mưa lớn chứ” - theo GS Baird.
Hàng ngàn người dân phải chịu cảnh mất nhà sau vụ vỡ đập. Ảnh: NYT
GS Baird cho rằng các đối tác thực hiện dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy phải chịu trách nhiệm về vụ vỡ đập. Cũng theo ông, dự án thủy điện cũng phải chịu trách nhiệm đã gây ra các vấn đề về môi trường và xã hội ảnh hưởng đến khu vực trong mùa khô, vì dự án này làm chệch dòng nước từ sông Xe Pian sang hồ chứa.
“Các tác động ở khu vực không được bồi thường, mà đáng ra nó phải có. Chủ dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy phải chịu trách nhiệm về các tác động tiêu cực gây lụt khu vực, không chỉ dọc sông Xe Pian mà cả dọc sông Sekong ở bên Campuchia. Điều quan trọng là sự an toàn của đập phải được đánh giá nghiêm túc hơn ở Lào và các ảnh hưởng dòng chảy cần được xem xét cẩn thận hơn” - theo GS Baird.