Nghị quyết lên án Mỹ cấm vận Cuba do chính Cuba soạn thảo, theo đó “Cần thiết phải chấm dứt tình trạng cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính Mỹ áp lên Cuba”. Nghị quyết được thông qua với tỉ lệ 189 phiếu thuận/hai phiếu chống. Hai nước phản đối là Mỹ và Israel. Moldova và Ukranie không bỏ phiếu.
Nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ dù không có giá trị pháp lý nhưng thể hiện quan điểm của cộng đồng thế giới, và đây là một chiến thắng lớn của Cuba trong 27 năm vận động phản đối lệnh cấm vận của Mỹ.
Một phụ nữ đứng trước bức tranh vẽ tường ở Havana (Cuba) ngày 31-10 nhân sự kiện vận động phản đối lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ với Cuba. Ảnh: AP
Hàng loạt đại sứ các nước lên tiếng ủng hộ nghị quyết. Phát biểu đại diện Nhóm 77 gồm 135 nước đang phát triển và Trung Quốc, Đại sứ Ai Cập Mohamed Edrees nói đây là bước đi tích cực, đi đúng hướng đã được chính phủ Obama vạch ra. Đại sứ Edrees cũng lấy làm tiếc về chủ trương siết cấm vận Cuba của chính phủ Trump.
Mỹ thậm chí đã không có được sự ủng hộ từ các đồng minh phương Tây. Các nước Liên minh châu Âu ủng hộ nghị quyết kêu gọi Mỹ “hủy bỏ hoặc vô hiệu” lệnh cấm vận. Canada công khai nói mình phản đối đề xuất của Mỹ chỉ trích nhân quyền Cuba.
Mỹ lần đầu tiên không có ý kiến trong phiên bỏ phiếu của Đại Hội đồng LHQ về lên án Mỹ cấm vận kinh tế Cuba vào năm 2016, dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ảnh: AP
Trước phiên bỏ phiếu này, Đại Hội đồng LHQ cũng có phiên bỏ phiếu về đề xuất sửa đổi của Mỹ chỉ trích tình hình nhân quyền ở Cuba. Đề xuất sửa đổi này chỉ được hai nước ủng hộ, là Mỹ và Israel. Có tới 114 nước bỏ phiếu chống và 65 nước không bỏ phiếu.
Trong ngày 1-11, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez lên án việc Mỹ đề xuất chỉ trích nhân quyền Cuba, đồng thời gọi lệnh cấm vận của Mỹ là “một sự vi phạm trắng trợn, to lớn và có hệ thống đến quyền con người của người dân Cuba”.
Phần mình, sau hai phiên bỏ phiếu với kết quả bất lợi thuộc về Mỹ, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói trước Đại Hội đồng LHQ: “Không có người chiến thắng ở đây hôm nay ở đây, chỉ có người thua”, đồng thời tuyên bố sẽ không bỏ cuộc.
Lệnh cấm vận Cuba được Mỹ ban hành năm 1960 sau cuộc cách mạng do Chủ tịch Fidel Castro lãnh đạo và quốc hữu hóa tài sản mà Mỹ cho là thuộc về các công dân và tập đoàn Mỹ. Cuba và Mỹ khôi phục quan hệ ngoại giao tháng 6-2016, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Năm 2016, chính phủ Obama quyết định không bỏ phiếu trong phiên bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết lên án Mỹ cấm vận Cuba tại Đại Hội đồng LHQ. Đây là lần đầu tiên trong 25 năm Mỹ làm vậy. Tuy nhiên, đến năm 2017 chính phủ Tổng thống kế nhiệm Donald Trump quyết định bỏ phiếu phản đối dự thảo nghị quyết này. |