Ngày 22-7, tại phiên họp thường kỳ đầu tiên nhiệm kỳ khóa 9 với sự tham dự của 100 đại biểu, Quốc hội Cuba đã tranh luận và thông qua một dự thảo hiến pháp sửa đổi.
Theo dự thảo này, Cuba vẫn khẳng định duy trì sự lãnh đạo của đảng Cộng sản với kinh tế và chính trị đất nước. Tuy nhiên, Cuba cũng sẽ có bước tái tổ chức, mở đường công nhận sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường.
Một điểm đáng chú ý nữa trong dự thảo hiến pháp mới là công nhận hôn nhân đồng giới với định nghĩa hôn nhân là “sự tự nguyện gắn bó giữa hai con người” không kể đến giới tính. Đây là bước thay đổi lớn với hiến pháp hiện hành ở Cuba chỉ công nhận hôn nhân giữa hai người khác giới.
Người dân Cuba tại khu vực tòa nhà Quốc hội nước này ở Havana (Cuba) ngày 21-7. Ảnh: REUTERS
Theo kế hoạch, từ giờ Cuba sẽ bắt đầu tranh luận công khai về dự thảo hiến pháp này và sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về dự thảo vào tháng 11 năm nay. Theo Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, người dân Cuba được tự do thể hiện suy nghĩ, ý kiến của mình về ảnh hưởng của dự thảo hiến pháp này với tương lai đất nước.
Phát biểu trước các đại biểu Quốc hội ngày 22-7, ông Diaz-Canel tin tưởng người dân Cuba sẽ đoàn kết hơn cũng như có niềm tin hơn vào sự lãnh đạo của đảng Cộng sản một khi dự thảo hiến pháp mới được thông qua.
Ông Diaz-Canel ngày 22-7 thừa nhận kinh tế tăng trưởng không được như dự báo và mong đợi trong nửa đầu năm 2018, cuộc khủng hoảng khả năng thanh khoản buộc Cuba phải siết chặt chi tiêu.
Cụ thể, theo ông Diaz-Cabel, kinh tế Cuba chỉ tăng 1,1% trong nửa đầu năm 2018, so với mức dự báo 2% của chính phủ. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Cuba là 1,6%.
Ông Miguel Diaz-Canel kế nhiệm chức chủ tịch Cuba từ ông Raul Castro từ tháng 4, thừa nhận kinh tế nước này tăng trưởng không như dự báo và mong muốn. Ảnh: RTE
Chính phủ Cuba từng nói kinh tế nước này phải cần đạt đến mức tăng trưởng 7% hằng năm để hồi phục hoàn toàn và phát triển, sau sự kiện Liên bang Xô Viết sụp đổ cũng như sau cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây của Venezuela. Trong khi đó các nhà kinh tế Cuba ước tính nước này cần tăng trưởng tối thiểu 3% hằng năm để không bị khủng hoảng hơn nữa.
Từ khi giá dầu giảm năm 2014 và Venezuela - đồng minh thân thiết nhất và là đối tác kinh tế chính, nhà cung cấp nhiên liệu chính của Cuba lâm vào khủng hoảng, tại Cuba, ngân khố Cuba cũng như các nguồn cung cấp dầu giảm mạnh, buộc Cuba phải cắt giảm nhập khẩu, giảm sử dụng năng lượng.
Sự suy giảm ngân khố quốc gia khiến Cuba phải ngưng thanh toán cho nhiều nhà cung cấp, nhiều đối tác trong hai năm nay, chính phủ Cuba thừa nhận.
“Tình hình tài chính vẫn rất căng… buộc phải thông qua một số biện pháp kiểm soát trong quý II” - ông Diaz-Canel nói, dẫn ra sự sụt giảm về du lịch và giảm thu nhập từ xuất khẩu.
Ông Diaz-Canel ngày 22-7 kêu gọi Cuba nỗ lực hơn để phát triển kinh tế và tái lập niềm tin tài chính của đất nước. Ông Diaz-Canel cũng kêu gọi chính phủ và người dân cùng hợp tác trấn áp hoạt động lậu của thị trường đen.