Mỹ chưa biết ông Trump nói gì với ông Putin tại thượng đỉnh

Nhà Trắng ngày 19-7 thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch mời Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm Mỹ vào mùa thu này. Viết trên Twitter, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết ông Trump đã chỉ đạo Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton chuyển lời mời đến ông Putin.

Chiến thắng của ông Putin

Theo Reuters, lời mời này là một chiến thắng với ông Putin. Lần gần nhất ông Putin thăm chính thức Mỹ là vào tháng 7-2007, trải qua hai ngày ở nhà gia đình Tổng thống Mỹ George H. Bush tại Kennebunkport, bang Maine. Tổng thống Nga thăm Mỹ gần nhất là ông Dmitry Medvedev - hiện giữ chức thủ tướng Nga - vào tháng 6-2010.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung trong khuôn khổ thượng đỉnh ở Helsinki (Phần Lan) ngày 16-7. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung trong khuôn khổ thượng đỉnh ở Helsinki (Phần Lan) ngày 16-7. Ảnh: REUTERS

Diễn biến này làm nóng thêm làn sóng chỉ trích, phản đối dữ dội từ các chính trị gia trong nước với ông Trump sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin tại Helsinki (Phần Lan) bốn ngày trước. Hàng loạt chính trị gia chỉ trích ông Trump yếu kém, xem trọng quyền lợi nước Nga hơn nước Mỹ. Họ bất mãn việc ông Trump chẳng những bỏ qua cơ hội quá tốt tại cuộc họp báo chung để lên án ông Putin về vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ mà còn chấp nhận lời phủ nhận của ông Putin đối với kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ.

Trở về Mỹ mấy ngày nay ông Trump và Nhà Trắng đã phải rất vất vả chống đỡ làn sóng chỉ trích này. Ngày 17-7, một ngày sau thượng đỉnh, ông Trump nói ông đã nói nhầm trong cuộc họp báo với ông Putin. Lý ra phải nói ông thấy “Nga có lý do để làm thế” thì ông lại nói nhầm thấy “Nga không có lý do gì phải làm thế”. Ngày 18-7, ông Trump trả lời “Không” khi một nhà báo hỏi liệu Nga có vẫn tiếp tục nhắm vào Mỹ. Bà Sanders sau đó phải đính chính lại ông Trump nói “Không” là không đồng ý trả lời câu hỏi chứ không phải trả lời nội dung câu hỏi.

Quan chức Mỹ thắc mắc Trump-Putin nói gì tại thượng đỉnh

Ngay sau khi có thông tin ông Trump mời ông Putin qua thăm, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Nhà Trắng Chuck Schumer lên tiếng chỉ trích ngay.

“Cho tới chừng nào chúng tôi biết được điều gì đã diễn ra trong hai giờ gặp ở Helsinki, tổng thống không nên có thêm sự tương tác một đối một nào nữa với ông Putin, dù ở Mỹ hay ở Nga hay ở bất cứ đâu” - Reuters dẫn tuyên bố của ông Schumer.

Theo tin từ Reuters, đến lúc này các nghị sĩ và các quan chức chính phủ hàng đầu Mỹ vẫn chưa được thông báo lại về những nội dung ông Trump và ông Putin đã nói trong cuộc gặp riêng chỉ có mặt của hai người phiên dịch trong khuôn khổ thượng đỉnh.

Cả Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats cũng cho biết ông không biết những gì đã xảy ra ở Helsinki.

“Bạn nói đúng rồi, tôi không biết điều gì đã xảy ra tại cuộc gặp” - ông Coats nói khi được hỏi tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado (Mỹ) ngày 19-7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi bắt đầu cuộc gặp riêng trong khuôn khổ thượng đỉnh ở Helsinki (Phần Lan) ngày 16-7, với chỉ hai phiên dịch. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi bắt đầu cuộc gặp riêng trong khuôn khổ thượng đỉnh ở Helsinki (Phần Lan) ngày 16-7, với chỉ hai phiên dịch. Ảnh: AP

Nhiều nghị sĩ cả Dân chủ lẫn Cộng hòa đều cho biết chẳng những bối rối với các phát ngôn trước sau không thống nhất của ông Trump mà còn hoang mang vì không biết được ông Trump đã nói gì hay có thỏa thuận gì với ông Putin trong cuộc gặp riêng hay không.

Trong khi đó cả ông Trump và ông Putin ngày 19-7 đều tuyên bố cuộc thượng đỉnh Mỹ-Nga là một thành công, cho rằng các thành phần chống đối ở Mỹ đang cố làm giảm giá trị các thành tựu thượng đỉnh mang lại.

“Thượng đỉnh với Nga là một thành công lớn, chỉ những kẻ thù thật sự của mọi người mới không nghĩ vậy và cả truyền thông giả. Tôi trông đợi thượng đỉnh thứ hai để chúng tôi có thể bắt đầu thực hiện một số trong nhiều thứ chúng tôi đã bàn” - ông Trump viết trên Twitter ngày 19-7, nhắc tới các vấn đề chống khủng bố, an ninh Israel, phi hạt nhân hóa, tấn công mạng, thương mại, Ukraine, hòa bình Trung Đông, và Triều Tiên.

Trong khi đó tại Nga ông Putin cũng nói thượng đỉnh “đã thành công toàn diện và đưa tới một số thỏa thuận hữu ích” nhưng không nói cụ thể thỏa thuận gì.

Ông Putin đòi thẩm vấn quan chức Mỹ

Nhà Trắng ngày 19-7 bác bỏ đề nghị của ông Putin cho các quan chức Nga sang Mỹ thẩm vấn các công dân, quan chức Mỹ mà Nga cáo buộc có “các hành động vi phạm pháp luật” chống lại Nga. Trong đó có cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul làm việc dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây được xem là một động thái nhằm cứu vãn tình hình sau sóng gió từ thượng đỉnh Trump-Putin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trên sân Nhà Trắng ngày 18-7. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump trên sân Nhà Trắng ngày 18-7. Ảnh: REUTERS

Đề xuất này được ông Putin nêu ra trong cuộc họp báo chung với ông Trump ngày 16-7, khi bị hỏi về khả năng cho dẫn độ 12 nhân viên tình báo Nga sang Mỹ chịu xét xử về các cáo buộc tấn công vào mạng lưới đảng Dân chủ, can thiệp bầu cử Mỹ 2016.

"Chuyện này sẽ không xảy ra” - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định với CBN News ngày 19-7.

Thượng viện Mỹ ngày 18-7, dù do đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát, đã đồng lòng thông qua nghị quyết phản đối chuyện cho Nga thẩm vấn bất kỳ quan chức Mỹ nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm