Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17-7 đã phải vất vả tự vệ trước làn sóng chỉ trích từ trong nước sau cuộc thượng đỉnh giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày trước đó ở Heksinki (Phần Lan). Nhưng tình hình ở Mỹ cho thấy ông càng biện hộ càng rối.
Thượng đỉnh với ông Putin tại Helsinki, ông Trump không chỉ không lên án ông Putin chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 mà còn tỏ ý không tin tưởng kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga là thủ phạm. Trước đây, ông Trump cũng một thời gian dài từ chối thừa nhận kết luận này của cộng đồng tình báo Mỹ nhưng sau đó cũng chịu chấp nhận. Cuộc điều tra Nga của công tố viên độc lập Robert Mueller vẫn đang diễn ra.
Bị cáo buộc đứng về phía Nga
“Tôi không thấy có lý do gì để Nga can thiệp bầu cử Mỹ” là câu ông Trump nói tại cuộc họp báo với ông Putin.
Không những không chỉ trích, ông Trump còn ghi nhận việc ông Putin đã “bác bỏ mạnh mẽ” kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Ông Trump trong cuộc trao đổi với một số nghị sĩ Mỹ và báo chí tại Nhà Trắng ngày 17-7. Ảnh: REUTERS
Ngay sau khi thượng đỉnh kết thúc, hàng loạt chính trị gia Mỹ đã lên tiếng chỉ trích cách thể hiện của ông Trump, không lên án ông Putin can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, thậm chí khi ông Putin thừa nhận ông có ý muốn ông Trump thắng.
Các chính trị gia thất vọng và phản ứng gay gắt nhất có thể kể đến Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer… Nhiều nghị sĩ Dân chủ lẫn Cộng hòa cáo buộc ông Trump đứng về phía Nga hơn chính nước Mỹ.
Thăm dò của Reuters thực hiện sau cuộc họp báo giữa ông Trump và ông Putin tại Helsinki cho thấy có đến 55% cử tri Mỹ không đồng tình với cách ông xử lý quan hệ với Nga, chỉ 37% hài lòng.
Ngay từ trước khi thượng đỉnh diễn ra nhiều chính trị gia lẫn các nước đồng minh đều lo ngại ông Trump sẽ nhượng bộ ông Putin.
Vất vả tự vệ
Trao đổi với các nhà báo tại Nhà Trắng ngày 17-7, ông Trump nói ông đã nói nhầm trong cuộc họp báo chung với ông Putin tại Helsinki 27 tiếng trước đó.
“Tôi đã nói “sẽ” thay vì “sẽ không”. Câu nói nên là: Tôi không thấy có bất cứ lý do nào đó không phải là Nga” - ông Trump minh định lại.
Ông Trump ngồi giữa hai nghị sĩ Cộng hòa trong cuộc trao đổi với một số nghị sĩ Mỹ và báo chí tại Nhà Trắng ngày 17-7. Ảnh: REUTERS
Ông Trump cũng nói ông tin tưởng hoàn toàn vào các cơ quan tình báo Mỹ và công nhận kết luận của các cơ quan này. Tuy nhiên, ông Trump lại thòng thêm câu “cũng có thể là người khác, có rất nhiều người bên ngoài kia” có thể can thiệp bầu cử Mỹ.
Đây là lần đầu tiên ông Trump đính chính lời nói của mình trong thượng đỉnh với ông Putin, dù trước lần gặp ở Nhà Trắng ông Trump đã trải qua ít nhất một cuộc phỏng vấn và từng có nhiều lần phát ngôn trên Twitter.
Càng biện hộ càng rối
Tưởng rằng sau lời đính chính và biện hộ của ông Trump làn sóng chỉ trích ông sẽ dịu lại nhưng tình hình xem ra còn rối hơn khi các chính trị gia Mỹ càng bất mãn.
Theo nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff, thành viên cấp cao Ủy ban Tình báo Hạ viện, ông Trump “chỉ đơn giản cố dọn dẹp mớ bòng bong mà ông ấy bày ra ngày hôm qua” thôi.
Còn theo lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, phát ngôn của ông Trump ngày 17-7 là một dấu hiệu nữa cho sự yếu kém, đặc biệt câu nói “có thể là người khác” can thiệp bầu cử Mỹ.
“Ông ấy đưa ra một phát ngôn kinh khủng, rồi cố rút lại nhưng không thể. Đó thể hiện sự yếu kém của Tổng thống Trump rằng ông ta sợ đối đầu trực tiếp với ông Putin” – ông Schumer nói.
Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer họp báo tại Quốc hội ngày 17-7 về một dự luật xem Nga là nước tài trợ khủng bố. Ảnh: REUTERS
Các nghị sĩ Cộng hòa cũng không đứng ngoài vòng phản đối cách thể hiện của ông Trump trước ông Putin. Ngày 17-7, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói với báo chí tại trụ sở Quốc hội rằng Nga không phải là bạn của Mỹ, cảnh cáo về khả năng Nga lại can thiệp bầu cử Quốc hội giữa kỳ năm 2018.
“Rất đông chúng ta biết rõ điều gì đã xảy ra năm 2016 và sẽ rất tốt nếu nó không xảy ra trong năm 2018”.
Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell họp báo tại Quốc hội ngày 17-7 về một dự luật xem Nga là nước tài trợ khủng bố. Ảnh: REUTERS
Nghị sĩ lưỡng đảng đòi tăng trừng phạt Nga
Nhiều nghị sĩ cả hai đảng cho biết sẽ vận động Quốc hội hành động trừng phạt Nga. Cả ông McConnell và ông Ryan đều cho biết Thượng viện và Hạ viện sẽ cân nhắc trừng phạt thêm với Nga. Năm ngoái Quốc hội Mỹ cũng đã ban hành trừng phạt Nga sau khi các cơ quan tình báo nước này kết luận Nga can thiệp bầu cử.
Chưa hết, thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện cho biết các lãnh đạo Quốc hội cũng đang cân nhắc thêm các biện pháp phản ứng cứng rắn và hiệu quả hơn với Nga.
“Chúng tôi đang cố gắng xác định cách thích hợp để phản ứng. Các bạn biết đấy, tổng thống có thể gây tổn thất với chỉ 15 phút họp báo trong khi chúng tôi phải mất sáu tháng để ra các nghị quyết sửa chữa lại” - theo ông Corker.
Ông Corker cho biết ông sẽ chờ nghe Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo điều trần về vụ thượng đỉnh vào ngày 18-7 (giờ Mỹ) rồi sẽ có bước đi tiếp theo.