Mỹ tăng sức ép tài chính lên Liên Hiệp Quốc

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley khẳng định sẽ tiếp tục “tìm kiếm các giải pháp để tăng hiệu quả hoạt động của LHQ trong khi vẫn bảo vệ được lợi ích cho nước Mỹ”.

Khoản cắt giảm lịch sử

Trong tuyên bố của phái đoàn Mỹ tại LHQ, Đại sứ Nikki Haley cho biết Mỹ đã đàm phán cắt giảm thành công 285 triệu USD ngân sách năm 2018-2019 của LHQ, đồng thời một số cơ quan quản lý và hỗ trợ của tổ chức quốc tế cũng sẽ bị ngừng hoạt động. “Việc chi tiêu quá tay và không hiệu quả của LHQ khá rõ ràng. Chúng tôi sẽ không tiếp tục để cho sự hào phóng của Mỹ bị lợi dụng hoặc được phục vụ cho các lợi ích không rõ ràng” - bà Haley tuyên bố.

Tuyên bố của bà Haley được đưa ra sau khi Đại hội đồng LHQ hôm 25-12 thông qua ngân sách 5,396 tỉ USD cho năm 2018-2019, thấp hơn con số 5,4 tỉ USD mà Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đề nghị trước đó. Theo đại sứ Mỹ, quyết định cắt giảm ngân sách lớn nhất lịch sử này của LHQ là một bước đi lớn đúng hướng. Bà ca ngợi nỗ lực đàm phán cắt giảm ngân sách này là một trong hàng loạt thành công mà Mỹ thực hiện vì sự thay đổi của LHQ.

Tuy nhiên, theo hãng tin AP, hiện vẫn chưa rõ liệu quyết định cắt giảm ngân sách của LHQ có liên quan tới số tiền do Mỹ đóng góp vào tổ chức này hay không. Mỹ hiện là thành viên đóng góp nhiều nhất cho LHQ, chiếm khoảng 22% trong ngân sách hằng năm của cơ quan này. Do đó nếu Mỹ quyết định cắt giảm phần đóng góp có thể sẽ tác động không nhỏ tới ngân sách của LHQ.

Đại sứ Mỹ Nikki Haley trong phiên họp của Đại hội đồng LHQ ngày 22-12. Ảnh: AP

Mở ra nhiều khó khăn

Ngân sách của LHQ đã là vấn đề được chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắc đến từ đầu năm nay, khi ông Trump vừa nhậm chức tổng thống Mỹ. Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ hồi tháng 9, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định bộ máy hoạt động của LHQ quan liêu và yếu kém, trong khi Mỹ đang phải gánh những chi phí không công bằng trong tổ chức này.

Ngân sách gìn giữ hòa bình của LHQ cũng đã bị cắt giảm 600 triệu USD trong năm nay, với nguyên nhân được cho là do sức ép của chính quyền Tổng thống Trump. Thời điểm đó bà Haley khẳng định Mỹ “chỉ mới bắt đầu”, ám chỉ việc nước này có thể tiếp tục cắt giảm ngân sách của LHQ trong tương lai.

Ngân sách bị cắt giảm lần này bao gồm chi phí đi lại, tư vấn và các chi phí hoạt động khác. Số tiền bị cắt này cũng bao gồm việc siết chặt các quy định bồi thường, cũng như cách thức mới để tối đa hóa việc sử dụng trụ sở của LHQ tại New York nhằm giảm chi phí thuê không gian đắt đỏ.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại việc giảm ngân sách sẽ khiến LHQ buộc phải cắt giảm khoản chi tiêu cho các hoạt động trên toàn thế giới, cũng như khả năng phản ứng trong các trường hợp khẩn cấp.

Theo tờ The New York Times, chỉ trong vòng một tuần, chính quyền Washington đã bốn lần dùng đến sức ép tài chính để cảnh cáo các nước phản đối quyết định về Jerusalem. Nỗ lực tăng sức ép tài chính của Mỹ lên LHQ đang đón nhận nhiều quan điểm trái chiều ngay tại Mỹ. Trong khi nhóm cử tri ủng hộ Tổng thống Trump hoan nghênh hành động “tiết kiệm” tiền cho nước Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng các nỗ lực này sẽ phản tác dụng. “Chính quyền Mỹ hiện nay không chú tâm đến những lợi ích mà nước này thu được từ một hệ thống toàn cầu dựa trên luật lệ với những thể chế quốc tế. Không thể tiếp cận một cách đơn thuần như giao dịch tiền bạc” - Stewart Patrick, nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) của Mỹ, nhận định.

______________________________

285 triệu USD là số tiền LHQ cắt giảm trong ngân sách năm 2018-2019, dưới áp lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm