Phía Nga ngày 12-8 đã bắt đầu phản pháo trừng phạt mới đây của Mỹ áp lên mình vì cho Nga là thủ phạm đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal tại Anh. Cụ thể, Nga sẽ tiếp tục bán tháo, giảm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ, theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov.
“Chúng tôi đã giảm tới mức tối thiểu và sẽ tiếp tục giảm thêm đầu tư của mình vào nền kinh tế Mỹ, vào trái phiếu chính phủ Mỹ” - hãng tin RIA dẫn lời ông Siluanov cho rằng một số lệnh trừng phạt mới của Mỹ hạn chế nhà đầu tư mua vào trái phiếu chính phủ Nga là “sự khó chịu nhưng không nghiêm trọng”.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov (phải) trong một cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: KREMLIN.RU
Từ vài tháng nay, Nga đã bán bớt trái phiếu chính phủ Mỹ trong bối cảnh quan hệ hai nước xấu đi. Theo báo cáo Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 18-7, trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, Nga đã giảm sở hữu đến 84% trái phiếu chính phủ Mỹ, tương đương chỉ còn sở hữu 14,9 tỉ USD giá trị trái phiếu thay vì 96,1 tỉ USD như trước đó. Giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà Nga đang giữ ít hơn cả Trung Quốc và Nhật, giữ hơn 1.000 tỉ USD.
Chỉ trong hai tháng Nga đã bán tháo 84% số lượng trái phiếu chính phủ Mỹ. Ảnh: POCKET SENSE
Ông Siluanov cũng cho biết Nga sẽ có một số điều chỉnh về tiền tệ để bớt lệ thuộc vào đồng USD của Mỹ. Cụ thể, Nga sẽ tăng sử dụng đồng rouble cùng các đồng tiền khác như euro và giảm sử dụng đồng USD trong thanh toán.
Thừa nhận trừng phạt của Mỹ sẽ làm tổn thương đồng rouble, khiến lạm phát của Nga tăng thêm, tuy nhiên ông Siluanov vẫn nói Nga không có kế hoạch cấm sử dụng đồng USD ở Nga. Đồng rouble đã giảm hơn 6% kể từ tuần trước.
Cũng theo ông Siluanov, Nga tạm thời vẫn chưa có kế hoạch đụng đến các công ty Mỹ đang hoạt động tại nước này.
“Cuối cùng thì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư Mỹ. Nhưng hiện chúng tôi chưa có kế hoạch đụng tới các công ty Mỹ hoạt động tại Nga, chẳng hạn đóng cửa McDonalds” - ông Siluanov cho biết.
Đồng rouble của Nga giảm hơn 6% kể từ tuần trước. Ảnh: CNBC
Ông Siluanov có nhắc đến việc nhiều nghị sĩ Nga từ năm 2014 đã đề nghị đóng cửa một số công ty lớn của Mỹ ở Nga, khi quan hệ giữa Nga với phương Tây xấu đi vì chuyện Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine và vai trò của Nga trong khủng hoảng Ukraine.
Tuy nhiên, ông Siluanov ngày 12-8 vẫn công nhận vai trò của các công ty Mỹ: “Công dân chúng tôi làm việc trong các công ty này, các công ty này đóng thuế vào ngân sách đất nước chúng tôi”.
“Dĩ nhiên chính phủ không có kế hoạch này. Đây sẽ là một bước đi tới bế tắc” - ông Siluanov nói.
Ngoài tuyên bố trừng phạt tuần trước, Quốc hội Mỹ hiện còn đang cân nhắc một dự luật kiềm chế các hoạt động của các ngân hàng Nga có chi nhánh tại Mỹ. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 10-8 cảnh cáo nếu Mỹ thực hiện điều này thì Nga sẽ xem đó là lời “tuyên bố chiến tranh kinh tế” và Nga sẽ có hành động trả đũa.