Ông Putin không lo ‘cú đấm’ của Mỹ

Ngày 8-8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo sẽ áp lệnh trừng phạt mới lên Nga kể từ ngày 22-8, dựa trên kết luận của các nhà điều tra Anh trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga cách đây năm tháng. Sự kiện này gây bất ngờ với nhiều người khi mà chỉ ba tuần rưỡi trước, hai nhà lãnh đạo Trump và Putin đã có cuộc hội kiến hiếm có tại Helsinki (Phần Lan).

Mỹ tấn công mạnh kinh tế Nga

Các quan chức Anh tuyên bố chính phủ Nga là thủ phạm đứng đằng sau vụ việc dùng chất độc thần kinh đầu độc cha con cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal tại Anh ngày 4-3. Kết quả của cuộc điều tra đa phần được dựa trên phân tích chất độc Novichok trong vụ việc, một loại chất độc được cho là chỉ có các quan chức cấp cao Nga mới có quyền quản lý.

Trong khi đó, phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov và người đồng cấp của Bộ Ngoại giao Maria Zakharova đã chỉ trích động thái của Mỹ, gọi đây là “hành động chứng tỏ Mỹ vẫn chưa sẵn sàng thúc đẩy một mối quan hệ tốt hơn với Nga” và phản đối cáo buộc của Anh. Ông Peskov khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái. Nga cũng sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng sau khi làm rõ được phạm vi tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Ông Trump và ông Putin vừa nồng ấm vài tuần trước thì nay Mỹ, Nga bất ngờ căng thẳng.  Ảnh: AFP

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ tuân theo quy định của đạo luật Loại bỏ chiến tranh và kiểm soát vũ khí sinh học năm 1991. Theo đó, “một khi chính phủ đã xác định rằng một quốc gia đã sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học vi phạm luật pháp quốc tế hoặc thậm chí là “đang chuẩn bị” để làm như vậy, các biện pháp trừng phạt phải được áp đặt”.

Vòng đầu của các biện pháp trừng phạt mới, nếu có hiệu lực, sẽ bao gồm lệnh cấm xuất khẩu công nghệ vào Nga. Bất kỳ nỗ lực nào của các công ty Mỹ nhằm xuất khẩu các sản phẩm có tiềm năng sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh như động cơ tuabin khí, điện tử, mạch tích hợp, thiết bị kiểm tra và hiệu chuẩn sẽ tự động bị từ chối. Trừ khi Nga đồng ý trong vòng 90 ngày rằng sẽ không sử dụng vũ khí hóa học và cho phép phái đoàn quốc tế kiểm tra, nếu không vòng tiếp theo của lệnh trừng phạt có thể mở rộng đến các biện pháp mạnh tay hơn như thu lại viện trợ đối với các khoản vay quốc tế và vay ngân hàng Mỹ, quyền hạ cánh cho các hãng hàng không Nga và đình chỉ quan hệ ngoại giao.

Nếu các biện pháp như cấm ngân hàng Nga hoạt động hay sử dụng các dòng tiền tệ, đó rõ ràng có thể coi là lời tuyên chiến kinh tế.

Thủ tướng Nga DMITRY MEDVEDEV 

Moscow cũng “không phải vừa”

Nếu được thông qua, Nga sẽ là quốc gia thứ ba bị Mỹ áp lệnh trừng phạt theo đạo luật 1991 sau Triều Tiên và Syria. Trả lời phỏng vấn CNN, một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho rằng vòng trừng phạt thứ nhất có thể gây ra “một cuộc càn quét rất lớn lên nền kinh tế Nga”. Cụ thể, 70% số lượng các công ty nền kinh tế Nga và 40% lực lượng lao động sẽ bị ảnh hưởng, ước tính có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Giá trị đồng rúp đã giảm khoảng 14% ngay sau thông báo Nhà Trắng, tiếp tục chuỗi hai năm liên tiếp giảm giá so với đồng USD. Các công ty lớn trên sàn như Aeroflot cũng bị giảm điểm. Điều này có thể sẽ có tác động tiêu cực đến sức mua của nền kinh tế Nga cũng như nhu cầu chi tiêu của người dân.

Tuy nhiên, không phải Nga chưa “làm quen” với lệnh trừng phạt của Mỹ từ năm 2013, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Các doanh nghiệp cung cấp thiết bị quân sự, các quan chức Nga cũng thường xuyên bị Washington tấn công. Và Nga cũng có thể “trả đũa”. Theo luật sư cấp cao Sergey Ryabukhin, Nga có thể ngừng xuất khẩu động cơ tên lửa RD-180 sang Mỹ, một thiết bị rất cần thiết trong quá trình phóng vệ tinh. Aeroflot có thể cấm các hãng hàng không Mỹ đi qua không phận Nga mà hiện được nhiều hãng hàng không sử dụng cho các chuyến bay xuyên lục địa.

Ngoài ra, việc Iran đe dọa cắt giảm sản lượng dầu gần đây trước sức ép của Mỹ đã đẩy giá dầu lên cao hơn, tăng nguồn thu cho Nga duy trì các dịch vụ công cộng và hỗ trợ các công ty bị Mỹ trừng phạt. Đặc biệt, đồng minh châu Âu của Mỹ, các đối tác chủ chốt của Nga, không tham gia vào lệnh trừng phạt lần này.

Theo Lev Gudkov, Giám đốc trung tâm khảo sát độc lập Levada của Nga, các phương tiện truyền thông ủng hộ Kremlin sẽ lan truyền giai thoại hội chứng “thù địch Nga” của phương Tây và dần dần sẽ còn có thể làm tăng tỉ lệ ủng hộ đối với ông Putin, bất chấp các thiệt hại về kinh tế lâu dài mà Mỹ có thể gây ra. Vẫn còn gần hai tuần nữa để cả thế giới quan sát những diễn biến tiếp theo của mối quan hệ “đặc thù” Nga-Mỹ. Ông Trump và ông Putin có lẽ đều đã có sẵn những tính toán riêng cho bước đi của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm