Nga-Mỹ căng thẳng vì ‘đòn đánh hội đồng’

Đã có 21 nước nối gót Anh trục xuất nhân viên ngoại giao Nga nhằm phản ứng vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Nga Sergey Skripal. Tính cả 23 nhân viên ngoại giao Nga bị Anh trục xuất trước đó, số lượng trục xuất tổng cộng là gần 140 người. Các vụ trục xuất nhà ngoại giao Nga khiến không ít người liên tưởng ngay đến Chiến tranh lạnh và lo sợ quan hệ Nga-phương Tây sẽ bị đặt vào thế đối đầu tương tự quá khứ.

Nhắm vào dầu khí và World Cup

Để bày tỏ sự “đoàn kết” với nước Anh, ngoài trục xuất hai nhân viên ngoại giao Nga, chính phủ Đan Mạch cũng chuẩn bị đưa ra cách đáp trả tiếp theo nhắm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 2) vốn gây tranh cãi của Nga.

Đài Danish Radio ngày 27-3 đưa tin, quyết định trên của chính phủ Đan Mạch và Ngoại trưởng Anders Samuelsen đã nhận được ủng hộ toàn diện từ đảng Bảo thủ nước này. Ông Naser Khader, phát ngôn viên của đảng Bảo thủ này, lập luận rằng “đã tới lúc” Tổng thống Putin “đối mặt với những hậu quả ở mức độ mà chỉ bản thân ông ấy mới cảm nhận được”. Ông Khader thúc giục chính phủ Đan Mạch tung ra biện pháp trừng phạt nặng hơn cho Moscow.

Theo chính trị gia này, Đan Mạch nên theo đuổi chính sách chế tài về mặt kinh tế đối với Nga vì ông cho rằng các lệnh trừng phạt hiện nay không đủ khiến Tổng thống Putin lo lắng. Đầu tháng này, ông Khader cũng đề xuất tẩy chay kỳ World Cup 2018 do Nga đăng cai sắp tới. Động thái này cũng nhằm ủng hộ Anh khi nữ Thủ tướng Theresa May tuyên bố sẽ không có thành viên nào trong hoàng gia Anh và chính phủ Anh tới Nga.

Bên cạnh đó, các đảng cánh tả của Đan Mạch cũng đồng tình cách trừng phạt kinh tế Nga. Đảng Dân chủ xã hội, đảng đối lập lớn nhất Đan Mạch, tán thành việc sử dụng thêm các biện pháp cấp tiến hơn ngoài ngoại giao. Theo đảng Dân chủ xã hội, đường ống dẫn khí biển Baltic Nord Streams 2 (do công ty năng lượng hàng đầu của Nga Gazprom hợp tác với một số tập đoàn năng lượng phương Tây xây dựng) là mục tiêu rõ ràng cần nhắm tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ảnh: BANGKOK POST

Nga tố Mỹ, Anh “thông đồng”

Theo Sputnik, đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng việc Mỹ nối gót Anh trục xuất các nhà ngoại giao Nga nhiều khả năng đã được lên kế hoạch từ trước và vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergey Skripal chỉ là để nước này có cớ hành động. Việc không có bất kỳ bằng chứng nào cho những cáo buộc mà Washington và London đưa ra chống lại nước Nga khiến chính quyền Moscow thêm hoài nghi về một kế hoạch có sẵn và chỉ đợi đến khi có thời cơ thích hợp. Theo ông Antonov, Mỹ và Anh đang cố phóng đại câu chuyện Nga là mối đe dọa để lái sự chú ý của dư luận khỏi những vấn đề nội bộ như dự luật súng tại Mỹ hay Brexit.

Hãng tin RT dẫn lời đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nhấn mạnh các nước phương Tây đang “đánh hội đồng” Nga. Ông cũng chỉ trích Mỹ lạm dụng quyền lực với tư cách là nước đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc khi trục xuất 12 nhân viên ngoại giao thuộc phái bộ của Nga ở tổ chức này. Ông Nebenzia gọi đây là bước đi “không thân thiện” rõ rệt. Vị đại sứ cũng liệt kê hàng loạt động thái khiêu khích khác của Mỹ trong thời gian qua như giới hạn quyền tiếp cận của các nhân viên ngoại giao Nga, từ chối cấp thị thực cho các nhân viên của phái đoàn.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga chắc chắn sẽ đáp trả thích đáng trên nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”, song cho hay vẫn mở các cuộc đối thoại ổn định chiến lược với Mỹ, theo The Guardian.

Chiến tranh lạnh 2.0?

Tờ New York Times bình luận, việc Mỹ và 20 nước khác đồng loạt trục xuất gần 140 nhà ngoại giao Nga làm dấy lên câu hỏi về một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tình hình có thể tồi tệ hơn bởi tính chất khó lường trong phản ứng của các bên.

Lo ngại là vậy nhưng giới phân tích cho rằng viễn cảnh này khó xảy ra dù tình hình không dễ dự đoán. Bởi trên thực tế, hoàn cảnh quốc tế lẫn hai nước Nga và Mỹ đã thay đổi rất nhiều. “Nước Nga ngày nay hội nhập chặt chẽ hơn nhiều với hệ thống kinh tế toàn cầu nên dễ bị tổn thương hơn trước áp lực kinh tế” - BBC dẫn nhận định của Malcolm Craig, giảng viên cao cấp về lịch sử Mỹ tại ĐH Liverpool John Moores. “Tôi không nghĩ ông Putin sẽ muốn đóng băng quan hệ lâu và muốn chịu thêm các đòn trừng phạt” - Michael Cox, giáo sư danh dự về quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London, cho hay. Dù vậy, ông Cox cảnh báo tình hình căng thẳng hiện nay rất khó lường.

Nga bất ngờ hỏi ý kiến người dùng Twitter, nền tảng phương tiện truyền thông xã hội yêu thích của Tổng thống Mỹ Donald Trump, về cách thức trả đũa sau khi Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga hôm 26-3, theo CNBC. “Lãnh sự quán Mỹ nào ở Nga bạn sẽ cho đóng cửa nếu bạn được quyền quyết định” - trang Twitter của đại sứ quán Nga tại Mỹ đặt câu hỏi. Các lựa chọn trả lời lần lượt là lãnh sự quán Mỹ ở Vladivostok, Yekaterinburg và St. Petersburg. Đến 1 giờ chiều (giờ miền Đông - EST) 26-3, thăm dò đã nhận được hơn 11.600 lượt tham gia, trong đó 45% ủng hộ đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg.

_______________________________

“Tình hình hiện nay có thể càng đẩy Nga tiến gần hơn về Trung Quốc và Iran, điều mà dĩ nhiên các quốc gia châu Âu nên tránh, đồng thời làm phân tán sự tập trung của các nước thành viên NATO” - Luca Susic, một chuyên gia an ninh làm việc tại Ý, trả lời Sputnik.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm