Các cuộc tập trận quân sự đưa Mỹ vào “trạng thái xấu” trong đối thoại với Triều Tiên, không những thế còn quá tốn kém, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trên Twitter ngày 17-6, một lần nữa đề nghị hủy các cuộc tập trận này.
“Rút lại các cuộc tập trận trong quá trình thương lượng là yêu cầu của tôi, vì chúng rất tốn kém và tạo ra một trạng thái xấu trong một cuộc thương lượng đầy thiện chí. Thêm nữa, rất khiêu khích. Có thể khôi phục ngay lập tức nếu đối thoại đổ vỡ, điều mà tôi hy vọng sẽ không xảy ra” - ông Trump viết trên Twitter sáng 17-6 (giờ Mỹ), một lần nữa tái khẳng định ý muốn của ông ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong lễ lý tuyên bố chung thượng đỉnh ngày 12-6 tại Singapore. Ảnh: REUTERS
Đến tối cùng ngày, ông Trump một lần nữa viết trên Twitter: “Thỏa thuận giải trừ hạt nhân với Triều tiên được hoan nghênh và chào mừng ở khắp châu Á. Họ rất hạnh phúc! Ở đây, ở đất nước chúng ta, vẫn có người xem thỏa thuận lịch sử này là một thất bại thay vì công nhận một chiến thắng cho tôi, dù thỏa thuận có khả năng sẽ cứu được hàng triệu, hàng triệu sinh mạng”.
Xói mòn liên minh, giúp Trung Quốc thêm sức mạnh?
Theo RT, kế hoạch của ông Trump phù hợp với sáng kiến “đóng băng kép” do Nga và Trung Quốc đề xuất tháng 9-2017, trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên đặc biệt nguy hiểm. Theo sáng kiến này, Triều Tiên sẽ ngưng các chương trình hạt nhân, tên lửa, đổi lại Mỹ và Hàn Quốc sẽ ngưng tập trận quân sự ở khu vực.
Theo RT, Triều Tiên - nước đã luôn chỉ trích các cuộc tập trận Mỹ-Hàn là khiêu khích - sẽ hoan nghênh ý định của ông Trump. Tuy nhiên với quân đội Mỹ, các đồng minh Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương thì ý định này của ông Trump rất đáng lo.
Từ khi ông Trump lần đầu công khai ý định này trong cuộc họp báo tại Singapore chiều 12-6, sau thượng đỉnh Mỹ-Triều, Bộ Quốc phòng Mỹ rõ ràng rất miễn cưỡng trong ủng hộ chuyện này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo chiều 12-6 tại Singapore. Ảnh: NYT
Không lâu sau thông báo của ông Trump, người phát ngôn Nhà Trắng Dana White nói với CNN rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã được tham vấn về chuyện này và không ngạc nhiên với thông báo của ông Trump.
“Bộ trưởng gắn kết toàn diện với tổng thống nhằm đạt được mục tiêu của ông ấy giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên” - bà White nói.
Tuy nhiên vài ngày sau, Bộ Quốc phòng ra tuyên bố về các cuộc điện đàm giữa ông Mattis với hai người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật rằng ông Mattis đã trấn an các đồng minh rằng Mỹ vẫn duy trì liên minh và giữ các cam kết quốc phòng cứng rắn với hai nước này.
Trong khi đó lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc nói họ chưa nhận được bất kỳ “hướng dẫn cập nhật nào về chuyện thực hiện hay ngừng các cuộc tập trận”, vẫn sẽ tiếp tục chuẩn bị cho cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Người bảo vệ Ulchi diễn ra vào tháng 8 tới.
Nhiều đương kim và cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại chuyện ngưng tập trận Mỹ-Hàn sẽ xói mòn tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ ở khu vực, giảm tính hiệu quả của liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc.
“Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến sức sẵn sàng chiến đấu của cả hai lực lượng Mỹ và Hàn Quốc” - cựu quan chức quốc phòng Mỹ Brian McKeon nói với New York Times.
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ngày 26-4-2017. Ảnh: AFP
Với các đồng minh Hàn Quốc, Nhật, lo lắng này thể hiện càng rõ. Sau thông báo của ông Trump, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết vẫn đang phân tích kỹ lời nói của ông. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho rằng “cần thiết phải phân biệt ý nghĩa chính xác và ý định của lời nói Tổng thống Trump”.
Nói với AP, cựu quan chức quân đội Hàn Quốc Moon Seong-mook đang là nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc cho rằng “việc hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc sẽ không có ý nghĩa nhiều nếu các quân đội không luyện tập cùng nhau”.
Trong khi đó, truyền thông Nhật cảnh báo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tốn kém cho đồng minh là đáng tiền
Lời phàn nàn của ông Trump về chi phí tập trận không được các quan chức Mỹ và truyền thông Mỹ chấp nhận. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói lý do này “buồn cười”.
“Triển khai lực lượng ở Hàn Quốc không phải là gánh nặng với người đóng thuế Mỹ. Nó mang lại sự ổn định. Đó là một lời cảnh cáo với Trung Quốc rằng quý vị không thể kiểm soát toàn khu vực. Vì thế tôi bác bỏ ý kiến rằng nó tốn kém quá nhiều. Đồng tiền bỏ ra huấn luyện các đồng minh là xứng đáng” - nghị sĩ Graham nói với CNN ngày 14-6.
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung ngày 19-9-2017. Ảnh: GLP
Tổng chi phí các cuộc tập trận Mỹ-Hàn được cho thuộc hàng lớn nhất thế giới nhưng chưa được công bố công khai. CBS News tính toán chi phí các chuyến bay ba máy bay ném bom Mỹ bay từ đảo Guam sang Hàn Quốc tham gia các cuộc tập trận nằm ở mức gần 3,5 triệu USD, chỉ là một phần nhỏ của đề xuất ngân sách tài khóa 2019 của Bộ Quốc phòng Mỹ - 681,1 tỉ USD.
Cuộc tập trận này năm ngoái có sự tham gia của 17.500 binh sĩ Mỹ, trong đó có khoảng 3.000 binh sĩ Mỹ từ ngoài Hàn Quốc chuyển đến, cùng với hơn 50.000 binh sĩ Hàn Quốc.
Người bảo vệ Ulchi là một trong hai cuộc tập trận chung chính Mỹ-Hàn. Cuộc tập trận thứ hai mang tên Đại bàng non thường được tổ chức vào đầu năm, là một trong những cuộc tập trận quân sự lớn nhất thế giới.
Mỹ-Hàn sẽ chính thức quyết định trong tuần này
Dù thế nào khả năng lớn cuối cùng Hàn Quốc cũng sẽ thuận theo Mỹ khi tổng thống nước này Moon Jae-in ngày 14-6 nói Hàn Quốc cần linh hoạt về chuyện đặt áp lực quân sự lên Triều Tiên một khi nước này chân thành chuyện giải trừ hạt nhân.
Điều trần trước Thượng viện này 14-6, Đô đốc Harry Harris - người được ông Trump đề cử làm đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc nói ông ủng hộ ý tưởng ngưng tập trận.
Theo Yonhap ngày 17-6, trong tuần này, Mỹ và Hàn Quốc dự kiến sẽ có thông báo chính thức chuyện ngưng tập trận quân sự chung. Theo nguồn tin chính phủ Hàn Quốc, hai bên sẽ chỉ ngưng các cuộc tập trận quy mô lớn, không phải các cuộc huấn luyện quân sự thường kỳ và sẽ khôi phục nếu Triều Tiên không giữ lời hứa giải trừ hạt nhân.
Các cuộc tập trận lớn có thể kể đến là Giải pháp then chốt, Đại bàng non vào đầu năm, Người bảo vệ tự do Ulchi vào giữa năm. Năm 1992, Mỹ-Hàn từng ngưng cuộc tập trận "Tinh thần đồng đội” trong lúc đối thoại với Triều Tiên nhưng khôi phục một năm sau đó khi đàm phán đổ vỡ.