Trong hai cuộc phỏng vấn khác nhau diễn ra vào tuần trước, theo Bloomberg, một lãnh đạo cấp cao của đảng Pheu Thai (đảng Vì người Thái), thân tín với cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và lãnh đạo đảng Dân chủ (cũng là cựu thủ tướng Thái Lan) Abhisit Vejjajiva đã không loại trừ khả năng sẽ thiết lập một liên minh nếu cả hai đạt được các điều kiện sau khi bầu cử Thái Lan được thông báo dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm sau. Pheu Thai và Dân chủ là hai đảng phái chính trị lớn ở Thái Lan, vốn đã đối đầu nhau kịch liệt trong suốt thập niên qua.
Thái Lan vẫn đang dưới quyền lãnh đạo của chính quyền quân đội Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, cũng là người đứng đầu Ủy ban Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO), kể từ cuộc đảo chính năm 2014.
Đảng Vì người Thái “mở cửa” cho đảng Dân chủ
Cả đảng Pheu Thai và đảng Dân chủ Thái Lan đều có chung mối quan tâm chính là ngăn chặn các thành viên không trúng cử nằm trong quốc hội tiếp tục bầu chọn đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayuth, hay bất kỳ cá nhân nào thuộc phe quân đội trở thành thủ tướng Thái Lan sau bầu cử tới. Theo hiến pháp mới của Thái Lan sau đảo chính năm 2014, 250 nghị sĩ Thượng viện Thái Lan được NCPO (đằng sau là hội đồng các tướng lĩnh của chính quyền quân sự lãnh đạo) bổ nhiệm sẽ có tiếng nói quan trọng trong việc chọn ra thủ tướng tiếp theo.
“Tôi đang nỗ lực thuyết phục các đảng phái chính trị không ủng hộ lãnh đạo NCPO trở thành thủ tướng Thái Lan sau cuộc bầu cử tới đây” - ông Chaturon Chaisang, một thành viên nổi bật của đảng Pheu Thai, cho biết. Vị này nói thêm: “Cá nhân tôi không từ chối việc hợp tác với bất kỳ đảng phái chính trị nào khác, bao gồm cả đảng Dân chủ”.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: FT
Bloomberg dẫn lời ông Chaturon cho biết ông kỳ vọng đảng Pheu Thai sẽ giành chiến thắng, đạt được phần lớn các ghế trong Quốc hội Thái Lan ở cuộc bầu cử tới. Vị này nhận định việc bắt tay giữa đảng Pheu Thai và đảng Dân chủ là rất khó khăn (vì hai đảng vốn là đối thủ lớn của nhau) nhưng đồng thời sẽ vô cùng thách thức cho bất kỳ đảng phái nào hoạt động đơn lẻ để có thể giành nhiều ghế trong hệ thống bầu cử hiện nay.
“Nếu một trong bất kỳ đảng phái nào quyết định không liên minh với các bên còn lại, các đảng phái chính trị có thể sẽ không đủ sức thành lập được chính phủ. Đó là lý do vì sao cá nhân tôi chưa từng nói rằng chúng tôi sẽ không bao giờ hợp tác cùng nhau hay liên minh với các đảng phái khác” - ông Chaturon nói. Pheu Thai cùng các đảng liên quan đến gia đình cựu thủ tướng Thaksin đã chiến thắng trong mọi cuộc bỏ phiếu ở Thái Lan kể từ năm 2001 cho đến cuộc đảo chính của quân đội lật đổ bà Yingluck, em gái ông Thaksin, năm 2014 nhưng sau đó liên tục đối mặt với khủng hoảng chính trị, luận tội và phế truất.
Sẽ không dễ dàng
Trong khi đó, cựu thủ tướng lãnh đạo Thái Lan từ năm 2008 đến 2011, ông Abhisit, nói rằng 250 thượng nghị sĩ Thái Lan nên tôn trọng ý chí của người dân trong việc bầu chọn thủ tướng. “Bầu cử để làm gì nếu chúng không có ý nghĩa. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho vị thế đất nước của chúng ta hôm nay” - ông Abhisit ám chỉ trách nhiệm của các thượng nghị sĩ chịu ảnh hưởng của chính quyền quân sự.
Đảng Dân chủ của ông Abhisit kể từ khi tham gia vào chính trường Thái Lan năm 1992 đã luôn bám sát đảng Pheu Thai trong các cuộc bầu cử. Cú “ngã ngựa” của ông Thaksin năm 2008 đã giúp ông Abhisit trở thành thủ tướng Thái Lan nhưng cũng chỉ giữ được vị trí khoảng ba năm trước khi thất bại trước bà Yingluck.
Nói về khả năng đảng Dân chủ bắt tay với đối thủ Pheu Thai, ông Abhisit cho rằng “điều đó sẽ không hề dễ dàng”. “Chúng tôi sẽ chỉ tham gia vào chính phủ mà chúng tôi tin rằng chính phủ ấy sẽ phục vụ tốt nhất những lợi ích của nhân dân. Chúng tôi không biết Pheu Thai tương lai sẽ đi theo hướng nào nhưng tôi cũng đã từng nói rằng nếu Pheu Thai không thể thoát ra khỏi cái bóng và lợi ích của gia đình Shinawatra và không học được các bài học về lạm dụng quyền lực trong quá khứ thì việc (đảng Dân chủ) làm việc với Pheu Thai sẽ khó khăn” - ông Abhisit nói.
Thủ tướng đương nhiệm Prayuth cho biết cuộc bầu cử có thể sẽ diễn ra vào ngày 24-2-2019. Chính quyền quân sự nhiều lần đẩy lùi tiến trình bầu cử, đồng thời tiếp tục cấm chương trình vận động chính trị mặc dù một số quy định khác được nới lỏng.
Quân đội có thể tiếp tục nắm quyền dù suy yếu Các nhà đầu tư đang theo dõi tiến độ bầu cử. Ngân hàng Standard Chartered trông chờ các diễn biến rõ ràng hơn nữa về thời điểm bầu cử nhằm thúc đẩy triển vọng các dòng chảy vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Thái Lan. Tuy nhiên, có thể sẽ xuất hiện những rủi ro trong dài hạn sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Ông Prayuth có khả năng sẽ tái đảm nhiệm vị trí thủ tướng nhưng sự suy giảm ảnh hưởng của hội đồng các tướng lĩnh thuộc chính quyền quân sự có thể khiến tình hình ổn định xã hội trở nên xấu đi, theo một nghiên cứu của BMI vào tháng 7 vừa qua. |