Chủ nhật 7-8 tới hơn 40 triệu cử tri sẽ bỏ phiếu ở 94.000 điểm bỏ phiếu khắp Thái Lan, trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới do quân đội soạn thảo, theo hãng tin ABC (Úc).
Cử tri sẽ trả lời hai câu hỏi sau theo hình thức Có/Không.
1/ Có đồng ý với dự thảo hiến pháp của Thái Lan hay không?
2/ Có đồng ý rằng, nhằm đảm bảo công cuộc cải cách đất nước được tiếp tục và đi theo kế hoạch chiến lược quốc gia, hiến pháp cần có một đoạn nói rằng: trong năm năm đầu tiên của Quốc hội theo hiến pháp mới, vị trí thủ tướng cần phải được chọn bởi toàn thể Quốc hội?
Nếu câu hỏi trưng cầu dân ý thứ hai được đại đa số cho là có thì cả 500 thành viên Hạ viện và 250 thành viên Thượng viện sẽ cùng chọn thủ tướng mới.
Tuy nhiên mắc mứu ở đây là các thành viên Thượng viện do quân đội chọn, trong đó sẽ có nhiều tư lệnh quân đội và cảnh sát. Điều đó đưa đến nhiều đồn đoán rằng quy trình bầu chọn thủ tướng mới sẽ không dân chủ.
Chính phủ quân sự Thái Lan dùng voi phát tờ rơi về cuộc trưng cầu dân ý cho dân. Ảnh: REUTERS
Sau năm năm chuyển tiếp này, số thành viên Thượng viện sẽ giảm xuống còn 200, gồm cả chỉ định và bầu chọn.
Đây là lần đầu tiên quân đội tổ chức trưng cầu về hiến pháp kể từ khi lên nắm quyền tháng 5-2014. Thái Lan đã từng trải qua 13 lần đảo chính quân sự thành công kể từ khi nước này bãi bỏ chế độ quân chủ đầu thập niên 1930. Và đây là bản hiến pháp thứ 20 của Thái Lan kể từ thời điểm đó.
Theo các lãnh đạo cuộc đảo chính mới nhất, xung đột chính trị khiến đất nước trở nên bất ổn và quân đội cần thiết phải can thiệp. Chính phủ quân sự Thái Lan cho rằng hiến pháp mới sẽ mở ra một thời kỳ chính trị trong sạch và một nền dân chủ ổn định cho Thái Lan.
Mọi hoạt động vận động ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý này đều bị cấm. Theo New York Times (Mỹ), hơn 100 người cố gắng vận động trên mạng xã hội để cuộc trưng cầu không diễn ra đã bị bắt giam, hình phạt cho tội chỉ trích chính phủ có thể tới 10 năm tù.
Ngày 4-8, đại sứ quán của bảy nước ở Bangkok, trong đó có Mỹ cảnh báo công dân mình tại Thái Lan thận trọng trước nguy cơ Thái Lan mất an ninh vì cuộc trưng cầu này. Thành phần chỉ trích lo ngại bước đi này sẽ củng cố hơn sức ảnh hưởng của quân đội ở Thái Lan khi dễ dàng giải tán các đảng phái chính trị, buộc tội các chính trị gia.
Người dân Thái Lan vận động không thông qua hiến pháp mới quân đội soạn thảo. Ảnh: REUTERS
Khó dự đoán kết quả trưng cầu. Các cuộc thăm dò cho ra kết quả khác nhau. ĐH Bangkok đã hỏi 2.810 người, 48,4% cho biết sẽ đồng ý, 7,7% không đồng ý, 8,5% sẽ bỏ phiếu trắng, 35,4% chưa quyết định.
Một cuộc thăm dò khác trên Facebook cho thấy chỉ 9% đồng ý, 85% không đồng ý, 5% chưa quyết định. Người ủng hộ phe áo đỏ - phe của cựu Thủ tướng Thaskin Shinawatra dự kiến sẽ bỏ phiếu không đồng ý.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã bác bỏ yêu cầu từ chức nếu hiến pháp mới không được thông qua. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cam kết sẽ tổ chức bầu cử mới vào năm 2017. Từ giờ cho tới chừng đó quân đội vẫn sẽ cầm quyền ở Thái Lan.