Thổ Nhĩ Kỳ "tháo ngòi" căng thẳng quanh dự luật tư pháp

Bất chấp nỗ lực của ông Gul nhằm "tháo ngòi" căng thẳng trước khi diễn ra các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 3/2014, Phó Thủ tướng Bulent Arinc tuyên bố "sẽ không có chuyện chính phủ rút lại đề xuất về cải cách ngành tư pháp."

Ông Arinc khẳng định Ankara muốn có một cơ quan tư pháp "làm việc theo mệnh lệnh của lương tâm chứ không phải quyền lực chính trị," đồng thời khẳng định Liên minh châu Âu (EU) không có quyền lên tiếng hay chỉ trích một vấn đề đang được thảo luận tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi hiện nay có thể do Hiến pháp không được cải cách kịp thời. Ông tỏ ý hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có một Hiến pháp dựa trên công lý, dân chủ, quyền công dân và sự đồng thuận.

Trước đó, Thủ tướng Erdogan trình Quốc hội dự luật nhằm tăng quyền kiểm soát của chính phủ đối với việc bổ nhiệm các chức vụ thẩm phán và công tố viên, đồng thời cách chức một loạt quan chức cảnh sát cấp cao.

Động thái này ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phe đối lập, sự quan ngại từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cũng như làn sóng biểu tình đòi ông Erdogan từ chức.

Các nhà bình luận trong nước cho rằng dự luật mới nhằm ngăn chặn việc mở rộng cuộc điều tra tham nhũng đang đẩy nội các của ông Erdogan vào tình trạng khủng hoảng và được chính phủ của ông Erdogan coi là động thái bôi nhọ hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm cuộc bầu cử.

Ủy ban các thẩm phán và công tố viên tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (HSYK) coi đề xuất mới là vi hiến. Cuộc thảo luận mới đây tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự luật mới thậm chí đã biến thành cuộc ẩu đả giữa các chính khách tham dự.

Ủy viên phụ trách mở rộng EU Stefan Fuele kêu gọi Ankara đảm bảo để dự luật mới phù hợp với các nguyên tắc của EU.

Các nhà quan sát cho rằng căng thẳng chính trị hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ là hệ quả của mối bất hòa giữa ông Erdogan và giáo sỹ Fethullah Gulen sống lưu vong ở Mỹ nhưng có rất nhiều người ủng hộ đang chi phối cơ quan cảnh sát và tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng này cũng bộc lộ mâu thuẫn giữa những người đứng đầu chính phủ và nhà nước trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 8/2014, đồng thời là hệ quả của việc quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái không thông qua Hiến pháp mới thay thế hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo năm 1980.

Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm