Bác sĩ Võ Văn Châu: Người khai hoang vi tiểu phẫu

Sau giải phóng, phẫu thuật viên Võ Văn Châu được phân công về Trung tâm Y tế quận Tân Bình (TP.HCM). Ông liên tục tiếp nhận những ca đứt lìa ngón tay, bàn tay từ các khu công nghiệp gần đó nhưng chẳng biết làm gì hơn ngoài cắt bỏ. Nghĩ đến cảnh đời khuyết tật của công nhân, ông quyết tìm cho ra kỹ thuật nối liền chi đứt lìa.

Khởi nguồn từ đồ tự chế

Muốn nối các mạch máu nhỏ phải có kính hiển vi, kim, chỉ khâu vi phẫu. Nhưng thời đó giá bộ kim chỉ tới 17 USD, tương đương 7.000 đồng VN trong khi lương bác sĩ chỉ có 60 đồng. Bí thế, ông lấy kim tiêm cho ăn mòn điện phân đến khi nhỏ nhất, lấy sợi chỉ chất liệu polyester nhúng vào nước sôi và kéo thật mảnh. Kính hiển vi cũng được chế từ ống nhòm ngoài chợ trời. Bộ đồ nghề tự chế ấy của ông đã nối thành công nhiều ngón chân, bàn tay đứt lìa trong niềm vui sướng của công nhân nghèo.

Chị HN (nữ công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận) từng đau đớn nghĩ về kiếp tật nguyền khi bị máy ép keo cắt đứt cả năm ngón tay. Gặp bác sĩ Châu, sau một giấc ngủ dài, chị thấy bàn tay còn hai ngón. Thì ra bác sĩ đã đưa hai ngón chân chị lên làm hai ngón tay. Không lâu sau, ngón cái và ngón út đã làm thành vòng tròn và chị có thể cầm nắm mọi thứ.

Bác sĩ Võ Văn Châu: Người khai hoang vi tiểu phẫu ảnh 1

27 năm trong nghề, ngọn lửa đam mê vi phẫu trong bác sĩ Châu vẫn rực cháy. Ảnh: YÊN THẢO

Anh K. ở Hà Giang có nằm mơ cũng không nghĩ rằng hai cánh tay ngủ yên suốt 20 năm nay lại có ngày choàng tỉnh để được ôm vợ con vào lòng. Tay phải anh bị xe nghiến nát. Bác sĩ Châu đã khéo léo chuyển ghép vạt da che phần xương lộ và chuyển khớp chân lên làm khớp khuỷu tay.

Những câu chuyện thần kỳ từ Trung tâm Y tế quận Tân Bình đã gây tiếng vang. Ông được đưa về BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Tháng 4-1987, dụng cụ kim chỉ khâu vi phẫu tự chế của ông đã được cấp bằng sáng chế quốc gia. 10 năm sau, khoa vi phẫu đầu tiên ở Việt Nam ra đời tại bệnh viện này, đưa vi phẫu Việt Nam sang trang mới.

Từ 32 giường, sau vài tháng bệnh viện phải tăng lên 42 giường vẫn không đủ. Bác sĩ Châu nghĩ ngay tới chuyện đào tạo. Không đợi học trò đến tìm, ông đến tận nơi để đào tạo tại chỗ. Chẳng mấy chốc ông đã có học trò rải khắp từ Quảng Trị vào đến Cà Mau. “Tôi đã bò sau thế giới 20 năm. Cũng may là tôi đã cố gắng và bò kịp” - bác sĩ Châu ví von về hành trình khai hoang vi tiểu phẫu từ dụng cụ tự chế của mình.

Ma lực từ vi tiểu phẫu

Mỗi ngày bác sĩ Châu đứng trong phòng mổ 8-10 tiếng, có khi gần cả ngày. Ông hay đùa có tiền cũng không có thời gian để ăn. Bữa trưa của ông chính là viên kẹo ngậm để khỏi hạ đường huyết. Thương thầy, học trò nảy ra sáng kiến lấy dây nước biển, một đầu nối vào lon nước ngọt, đầu kia luồn qua khẩu trang để truyền dịch coca cho thầy.

Điều gì khiến một người về hưu như ông vẫn nhịn đói, nhịn khát, nhịn ngủ đứng cả ngày trong phòng mổ để đổi lấy 70.000 đồng/ca mổ. Điều gì khiến một bác sĩ đã 62 tuổi vẫn leo lên xe đò đang đêm ra Bình Định mổ một mạch tới nửa đêm rồi leo lên xe đò về lại Sài Gòn chuẩn bị cho ca mổ mới? Ông nheo mắt: “Đó là ma lực. Niềm vui chiến thắng trong mỗi ca mổ là gương mặt hạnh phúc của bệnh nhân”. Ma lực ấy đã cuốn ông đi từ ca mổ này đến ca mổ khác suốt 27 năm trong nghề.

Ông khơi dòng cho ngành vi tiểu phẫu nhưng ông quan niệm chẳng ai là tác giả tuyệt đối của thành công này. Người viết có lần được dự một buổi giao ban tại khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nhân dân 115, nơi ông làm cố vấn chuyên môn.

Hôm đó, một bác sĩ trẻ đứng lên báo cáo thành công của một ca mổ khó. Bác sĩ Châu chỉ lẳng lặng lắng nghe và vỗ tay tán thưởng rồi nhẹ nhàng góp ý: “Công lao của kỹ thuật viên rất lớn nhưng mình chỉ giúp bệnh nhân hồi phục 50% thôi. Muốn khỏe mạnh hoàn toàn phải nhờ vào sự tận tụy của các anh chị em điều dưỡng. Lần sau khi báo cáo, các em nhớ lưu ý điều này nhé!”. Các chị điều dưỡng ai cũng vui, còn anh bác sĩ trẻ lại có thêm một bài học từ người thầy đáng kính.

Trong ông đôi khi còn có cả ưu tư về những chuyện chẳng liên quan đến ca mổ. Ông băn khoăn: Tiền khám có khi mấy chục ngàn đồng nhưng bà con miền Bắc vào khám, chi phí đi lại, ăn ở cũng ngốn hết bốn, năm triệu đồng. Rồi khi mổ, có khi lại quay về Bắc, tốn thêm chừng đó tiền nữa. “Thật là xót!” - ông như phân bua cho dự định phối hợp với một số bệnh viện ngoài đó để mở một đơn vị vi phẫu. Bước đầu là khám lọc bệnh và tái khám để giảm nhẹ chi phí trước mổ và sau mổ. Khi đã có nhân lực sẽ phẫu thuật trực tiếp để bệnh nhân không phải đi lại tốn kém. “Chắc là khó khăn nhưng không đi thì khi nào mà đến được!” - bác sĩ Châu nói khẳng khái, cũng như hồi nghĩ ra cây kim tự chế buổi đầu tiên.

Với bác sĩ Châu, thành công trong nghề y đơn giản là bệnh nhân hài lòng. Ông kể có hai anh chị nọ, mỗi người liệt một cánh tay, đi khám và phẫu thuật cùng một ngày. Mổ xong, ông hẹn một tháng sau mới tái khám, song chẳng hiểu vì sao cứ mỗi tuần họ lại đi khám một lần. Nhưng sau đó thì không thấy đến nữa. Hỏi ra mới biết họ đã cưới nhau rồi. Bác sĩ Châu cười hóm hỉnh: “Có đủ tay ôm nhau rồi thì họ đâu có cần đến với mình nữa. Đó cũng là niềm vui của mình đấy!”.

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm