Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) vừa công bố thông tin về việc chuyển quyền sở hữu cổ phiếu HPG liên quan đến người thân của Chủ tịch tập đoàn - tỉ phú Trần Đình Long.
Theo đó bà Đỗ Thị Giới, mẹ đẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, chuyền quyền sở hữu tổng số 742.356 cổ phiếu HPG cho ba người con của mình gồm: ông Trần Đình Thăng, ông Trần Đình Tân, hai người là anh trai ông Long; và bà Trần Ánh Tuyết, em gái ông Long, theo phương thức chuyển nhượng thừa kế.
Cả ba người đều nhận số cổ phần tương đương là 247.452 cổ phần HPG. Trước đó ba người anh em của ông Long chưa từng sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Hòa Phát. Với giá cổ phiếu HPG là 53.800 đồng/cổ phiếu, tính đến ngày 27-4 thì mỗi người anh em của ông Long đang có hơn 13 tỉ đồng.
Việc mẹ ruột không chuyển phần sở hữu của mình cho ông Long, vì ông đang nắm giữ hơn 381 triệu cổ phiếu Hòa Phát (có giá thị trường trên 20.000 tỉ đồng), chiếm tỉ lệ sở hữu là 25,15% tại công ty này.
Ông Trần Đình Long là một trong bốn tỉ phú USD được Forbes công nhận của Việt Nam. Được mệnh danh là “vua thép”, ông Long đã có nhiều năm đứng trong tốp 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng phải tới nay tên ông mới được xướng lên trong danh sách của Forbes.
Forbes mô tả về ông chủ Tập đoàn Hòa Phát như sau: “Ông Trần Đình Long thành lập Tập đoàn Hòa Phát, một nhà phân phối phụ tùng và máy móc, thiết bị trong năm 1992 tại Hà Nội. Ngày nay, Hòa Phát sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép, thép xây dựng. Hòa Phát được đánh giá là nhà sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam”.
Forbes tiết lộ tài sản của ông Long có được từ ngành thép, công nghiệp nặng. Ông cũng được xác định là tỉ phú tự thân. Sự phát triển vượt bậc của Hòa Phát được ông Long gói gọn trong chiến lược chỉ làm những gì mình có thế mạnh và trung thành với ngành cốt lõi là thép.
Ông Long từng chia sẻ có những lúc ông cũng dao động khi thấy các doanh nghiệp bất động sản cứ mở mắt dậy là thấy khối tài sản tăng gấp 2-3 lần. Nhưng cuối cùng ông cứ kiên định với con đường mình chọn với một suy nghĩ “mỗi người một chí hướng”.