Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa vinh danh bốn đại diện Việt Nam là tỉ phú USD của thế giới.
Đáng chú ý, nếu như ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, lần thứ sáu có tên trong bảng xếp hạng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air, lần thứ hai được nêu tên thì lần đầu tiên có thêm hai gương mặt mới lọt vào danh sách này. Đó là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco).
Theo tính toán của Forbes, ông Trần Bá Dương là người giàu thứ 1.339 trên thế giới và người giàu thứ ba Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Trong khi đó nhờ khối tài sản lên tới hơn 1,3 tỉ USD, ông Trần Đình Long đứng ở vị trí thứ 1.756 người giàu nhất thế giới và đứng ở vị trí thứ tư trong danh sách các tỉ phú đôla của Việt Nam.
Cả ông Long và ông Dương có một điểm chung là những người dẫn dắt công ty bắt đầu từ con số không trở thành công ty hàng đầu trên thị trường.
Ông Trần Đình Long và ông Trần Bá Dương, hai tỉ phú đô la mới của Việt Nam. Ảnh: TL
Tỉ phú tự thân Trần Bá Dương
Forbes nhận định ông Trần Bá Dương là tỉ phú tự thân chứ không phải giàu lên nhờ tài sản thừa kế. “Ông Trần Bá Dương bắt đầu làm việc cho một nhà máy sửa chữa ô tô từ những năm 1980 và quản lý công việc theo cách riêng của mình. Ông thành lập Trường Hải trong năm 1997. Ban đầu công ty chỉ bán ô tô, sau đó mới lắp ráp cho một số thương hiệu như Kia, Mazda và Peugeot. Tới năm 2016, Thaco trở thành công ty ô tô lớn nhất Việt Nam với thị phần 32%” - Forbes nhấn mạnh một vài cột mốc quan trọng của vị tỉ phú đôla này.
Ông Trần Bá Dương khởi nghiệp ở vị trí người công nhân thợ máy mặc dù đã có bằng kỹ sư. Trong câu chuyện chia sẻ với báo chí, ông thường nói nhờ những năm tháng đó ông tích lũy được tay nghề lẫn vốn liếng trước khi quyết định mở xưởng sửa chữa ô tô của riêng mình. Nó cũng chính là bệ phóng cho Thaco ngày nay.
Quan điểm kinh doanh của ông Dương rất dễ hiểu rằng “không ngại chấp nhận sự thay đổi và luôn nỗ lực tìm lối ra để tồn tại và phát triển”; “thị trường, chinh phục được khách hàng mới là điều kiện tiên quyết quyết định”.
Bởi thế vị thuyền trưởng của Thaco chọn phương án hợp tác với đối tác ngoại để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thaco đã chọn Mazda và Kia là hai thương hiệu để liên doanh bởi đều chưa có nhà máy lớn ở khu vực, không bị cạnh tranh, đồng thời có tương lai xuất khẩu.
“Tôi rút ra bài học từ chính con đường tôi đã chọn, đã đi, đó là làm công nghiệp đòi hỏi có ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi không, có sức nuôi khát vọng ngay từ đầu không. Sẽ thất bại nếu chọn cách cứ làm đã, chiến lược tính sau” - ông Dương chia sẻ với báo chí.
Tầm nhìn dài hạn của Thaco không dừng tại thị trường nội địa mà chính là xuất khẩu xe ra các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, Thaco đang phải đấu với các đối thủ sừng sỏ, có tên tuổi quốc tế và đã phát triển hàng trăm năm. Do đó để tiếp tục gặt hái thành công không phải là con đường dễ dàng.
Con đường của “vua thép”
Được mệnh danh là “vua thép”, con đường đi của ông Trần Đình Long cũng không khác quá nhiều so với ông Dương. Ông Long đã có nhiều năm đứng trong tốp 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng phải tới nay tên ông mới được xướng lên trong danh sách của Forbes.
Forbes mô tả về ông chủ Tập đoàn Hòa Phát như sau: “Ông Trần Đình Long thành lập Tập đoàn Hòa Phát, một nhà phân phối phụ tùng và máy móc, thiết bị trong năm 1992 tại Hà Nội. Ngày nay, Hòa Phát sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép, thép xây dựng. Hòa Phát được đánh giá là nhà sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam”.
Forbes tiết lộ tài sản của ông Long có được từ ngành thép, công nghiệp nặng. Ông cũng được xác định là tỉ phú tự thân. Sự phát triển vượt bậc của Hòa Phát được ông Long gói gọn trong chiến lược chỉ làm những gì mình có thế mạnh và trung thành với ngành cốt lõi là thép.
Lần đầu tiên Việt Nam có 4 tỉ phú đôla 2013 là năm đầu Việt Nam có một tỉ phú đôla Mỹ được Forbes ghi nhận. Đến nay, sau bốn năm, con số tỉ phú đã tăng lên bốn và có thể còn tăng cao hơn nữa trong tương lai. Trong đó ông Phạm Nhật Vượng với tài sản 4,3 tỉ USD, tăng 1,9 tỉ USD so với năm ngoái là người giàu nhất Việt Nam và đứng thứ 499 thế giới. Người thứ hai là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với tài sản 3,1 tỉ USD, đứng thứ 766 thế giới trong năm 2018. |
Ông Long chia sẻ có những lúc ông cũng dao động khi nhìn thấy các doanh nghiệp bất động sản cứ mở mắt dậy là thấy khối tài sản tăng gấp 2-3 lần. Nhưng cuối cùng ông cứ kiên định với con đường mình chọn với một suy nghĩ “mỗi người một chí hướng”.
Ông Long ít khi xuất hiện trên báo chí nhưng vị tỉ phú này được Forbes công nhận là một người quyết liệt và dứt khoát trong các quyết định. Câu nói nổi tiếng của ông Long được nhắc tới là “Dừng lại là chết!” khi thuyết phục mọi người trong công ty đừng ngủ quên trên những thành tích đã đạt được.
Hòa Phát hiện vẫn kiên định mục tiêu nguồn thu lớn nhất vẫn đến từ ngành thép. Tất nhiên ngành thép mà ông Trần Đình Long theo đuổi cũng đang đối mặt với không ít thách thức, bởi phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan. Đơn cử Mỹ đang dọa sẽ tăng thuế thép và điều này đủ để Hòa Phát phải vất vả trong các chiến lược kinh doanh của mình.
Cần thêm nhiều tỉ phú “dẫn dắt” kinh tế TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc số lượng tỉ phú Việt gia tăng gấp đôi so với năm ngoái là chuyện hoàn toàn dễ hiểu vì tính đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt đã tăng tới hơn 50% trong vòng một năm qua. Tuy nhiên, cách định giá khối tài sản của Forbes chủ yếu dựa trên những người có tài sản khai báo chính thức, trong khi thực tế còn rất nhiều tỉ phú Việt ẩn mình, chưa muốn công khai tài sản.
“Bên cạnh đó, không phải cứ thấy số lượng tỉ phú gia tăng nghĩa là nền kinh tế của quốc gia đó đang mạnh lên. Mà sự tăng trưởng kinh tế cần phải thể hiện qua chỉ số thu nhập bình quân đầu người có tăng không, chính sách an sinh xã hội của quốc gia đó có vững mạnh không” - ông Hiển nêu quan điểm. Trong khi đó nhiều ý kiến cho rằng việc có thêm nhiều doanh nhân trở thành tỉ phú USD là đáng mừng. Số người giàu tăng nhanh hàm nghĩa nền kinh tế đang tạo ra nhiều cơ hội làm giàu và kinh tế tư nhân thực sự đã là động lực kinh tế. Việt Nam cần nhiều tỉ phú để họ kiến tạo và dẫn dắt nền kinh tế cũng như thị trường như Thái, Hàn Quốc, Nhật Bản. Vấn đề là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để tăng cơ hội, đảm bảo làm giàu chính đáng cho mọi người. Qua đó những người giàu muốn công khai đàng hoàng sự giàu có của mình như một niềm tự hào. |