ĐBQH, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, trong bài trả lời phỏng vấn cuối năm, đã nhắc lại một sự kiện đã ủ đất nước trong men say: "Chiến thắng của U23 Việt Nam giúp chúng ta thấy lại được tiềm năng của con người Việt Nam không hề nhỏ và bây giờ điều cần là phải làm thế nào đánh thức nó dậy, tổ chức, phát huy đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, qua việc đón các cầu thủ U23 Việt Nam cũng cho thấy tinh thần dân tộc rất cao của chúng ta".
Ở một nơi cách xa Việt Nam, một bài báo quan trọng đăng trên Financial Times, đã mô tả khát vọng của Vinfast – dự án sản xuất ô tô thương hiệu Việt đầu tiên - như là chiếc "xe hơi quốc dân".
Bài báo dẫn lời một chuyên gia người nước ngoài đang làm tại Vinfast, nói đầy ẩn ý về niềm tự hào của một quốc gia – lý do quan trọng để Vinfast quyết tâm lao vào một cuộc chiến khốc liệt không chỉ ở Việt Nam:
"Có một câu tục ngữ rằng mỗi một người dân trong một quốc gia cần: Một lá cờ, một bài hát quốc ca, một hãng hàng không và một công ty xe ô tô".
Giống như ông Quốc nói, thành tích của U23 Việt Nam đã cho thấy tinh thần dân tộc rất cao của một đất nước còn rất nghèo. Chúng ta đã có "một lá cờ, một bài hát quốc ca" ở trong tim, và nhìn thấy thấp thoáng hình ảnh hãng hàng không made in Vietnam (nơi Vietjet đang trỗi dậy hay Vietnam Airlines dần khẳng định đẳng cấp), nhưng ô tô made in Vietnam thì chưa, dù Trường Hải cũng đã làm nên kỳ tích.
Sau trận thua Uzbekistan, HLV Park Hang Seo, đã quát lên với các tuyển thủ: "Tại sao lại cúi đầu?". Thực sự thì các cầu thủ có quyền ngẩng cao đầu vì đã đá những trận cầu trên sân bóng trái tim và khát vọng.
Câu nói của một người đàn ông Hàn Quốc – đất nước đã hóa rồng - không chỉ thức tỉnh cầu thủ mà còn khiến bao nhiêu người Việt phải suy nghĩ về tiềm năng không hề nhỏ của người Việt.
Cách đây vài năm, Forbes đã nghe được câu chuyện mà tỉ phú Phạm Nhật Vượng hay trải lòng với những người thân cận rằng ông muốn làm tất cả sức mình để "góp phần giúp Việt Nam có thể ngẩng mặt với thế giới".
Bên cạnh việc nói đến niềm tự hào, ông Dương Trung Quốc đã tự thấy xấu hổ khi có những thời điểm "không đáp ứng, thực hiện được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân" trong năm 2018.
Về nguyên lý, ông Vượng và Vingroup chẳng có "trách nhiệm lương tâm" gì nếu Việt Nam không có một thương hiệu ô tô cho riêng mình, vì nếu không làm ô tô, tỉ phú đô la này cũng đã tạo dựng được nhiều niềm tự hào trong lĩnh vực khác.
Nhưng tôi tin rằng một người như ông Vượng luôn tự thấy "trách nhiệm xấu hổ" nếu người Việt không thể ngẩng mặt với thế giới; người Việt phải cúi đầu buồn bã trước bè bạn năm châu.
Nếu mỗi người Việt, doanh nhân Việt, công bộc Việt đều tự thấy xấu hổ khi đất nước vẫn vật vã trong vùng trũng phát triển, chắc chắn tinh thần dân tộc sẽ đốt cháy "buồng nhiên liệu tiềm năng người Việt" đưa tên lửa đất nước bay vào quỹ đạo các quốc gia phát triển.
Đó chính là "sự xấu hổ tốt lành" mà tôi muốn Quý độc giả chia sẻ trong bản tin tốt lành gần cuối cùng của năm Đinh Dậu này.