Trong một báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt mới đây cho thấy việc Mỹ bảo hộ ngành thép sẽ không tác động nhiều tới Việt Nam. Nguyên nhân tỉ lệ xuất khẩu thép Việt Nam chỉ chiếm 18% trong tổng sản lượng thép, chủ yếu tiêu thụ nội địa, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ rất ít.
Theo thống kê năm 2017, xuất khẩu thép của Việt Nam vào Mỹ là 679.092 tấn, chiếm 2% tỉ trọng nhập khẩu thép của Mỹ.
Có những lo ngại Trung Quốc dưới áp đặt thuế mới từ thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh xuất khẩu sang Việt Nam, vì hiện có khoảng 36% lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam xuất xứ từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Bảo Việt, điều này cũng không đáng lo ngại vì Mỹ đang áp dụng 28 biện pháp thuế quan và phi thuế quan đối với nhiều loại sản phẩm thép Trung Quốc. Do đó, sản lượng thép Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ đã sụt giảm mạnh từ năm 2014 đến nay.
Năm 2017, sản lượng thép Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ chỉ ở mức 740.126 tấn, chiếm 2% sản lượng nhập khẩu thép của Mỹ và 1% sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc.
Như vậy, việc thép Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ tìm cách chuyển sang các nước khác, trong đó có Việt Nam là gần như không đáng lo ngại.
Bảo Việt cũng cho rằng tác động của chiến tranh thương mại tới giá thép không nhiều, vì Mỹ buộc phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa do sản xuất trong nước không đủ.
Tuy nhiên, cũng có các ảnh hưởng đến một số công ty thép Việt Nam là trong các sản phẩm thép chính của Việt Nam thì tỉ trọng xuất khẩu ống thép và thép xây dựng chỉ ở mức 11%-12%, trong khi tôn mạ là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với tỉ trọng xuất khẩu lên đến 47% sản lượng tiêu thụ. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất nếu hàng rào bảo hộ được nâng cao.
Trước đó, hồi tháng-5-2018, Bộ Thương mại Mỹ vừa đánh thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép của Việt Nam được bộ này cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau khi cho rằng thép Việt Nam đã trốn lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.
Hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thép chịu mài mòn của Việt Nam phải đối mặt với thuế chống bán phá giá là 199,43% và thuế chống trợ cấp là 39,05%.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết sau khi thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với sản phẩm thép của Trung Quốc trong năm 2015, các lô hàng thép cán nguội từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng tới 215 triệu USD mỗi năm từ mức chỉ 9 triệu USD, trong khi nhập khẩu thép chịu mài mòn tăng lên 80 triệu USD từ mức 2 triệu USD.