Muốn khai tử loại xăng được thị trường ưa chuộng
Bạn đọc Lê Ngọc Xuyến đặt vấn đề: Xăng E5 chỉ có 5% cồn, chưa thực sự là "xăng sinh học", cũng chưa đáng để gọi là thân thiện môi trường. Vẫn 95% xăng khoáng.
Chưa có nghiên cứu và thực tế chứng minh hiệu quả và tác hại của xăng E5, ví dụ: hiệu suất, nhiệt lượng, khả năng hòa tan, tách lớp, ảnh hưởng ăn mòn, trương nở phụ kiện động cơ, độ dẫn điện cao hơn xăng khoáng dẫn đến phản ứng ăn mòn điện hóa các hợp kim trong động cơ.
“Tôi thử đổ mỗi lần 2 lít, nhiều lần như vậy thì thấy xăng 95 chạy êm hơn và được số cây số nhiều hơn” - bạn Xuyến dẫn chứng.
Kỹ sư Lê Văn Tạch thì phân tích: Xăng khoáng A95 là nhiên liệu đang được đa số các loại xe máy, ô tô sử dụng hiện nay. Các dòng xe hiện nay cũng được khuyến khích sử dụng loại xăng này. Nhà sản xuất sẽ tính toán, thiết kế động cơ phù hợp với từng loại nhiên liệu. Nếu sử dụng nhiên liệu không phù hợp sẽ dẫn đến hoạt động của động cơ kém hiệu quả, không đạt công suất tối ưu nhất.
“Tôi không biết mục đích thay đổi nhiên liệu là gì nhưng tôi hơi ngạc nhiên vì xăng A95 đang được sử dụng rất tốt và phù hợp với nhiều loại xe. Tôi cũng nhận được rất nhiều phản hồi không được tích cực lắm về việc sử dụng xăng sinh học từ phía khách hàng mang xe đến garage. Việc khai tử xăng A95 để sử dụng xăng sinh học E5 sẽ khiến cho người dùng không có lựa chọn khác” - kỹ sư Tạch nói.
Không được thách thức phản ứng của người dân
Bạn đọc tên Trang nêu rõ: Xăng A95 đang chiếm lĩnh thị trường, nếu khai tử luôn xăng A95 nhằm ép buộc người dân phải sử dụng xăng E5 do lợi ích nhóm và đặc quyền đặc lợi, đầu cơ trục lợi pha chế thì chính quyền này là của ai, phục vụ cho lợi ích của ai?
Hết chuyện BOT công trình giao thông khiến dân phản ứng, giờ đây lại chuyện xăng dầu tác động đến người dân cả nước. Đây là lúc bản lĩnh của chính quyền có chính kiến độc lập hay lệ thuộc lợi ích nhóm trong vai trò lãnh đạo.
Lý do để khai tử các loại xăng A92, A95 là hoàn toàn không thuyết phục. Tại sao lại lần lượt khai tử tất cả những loại xăng mà đa số người dân đã lựa chọn, chỉ để còn lại một loại xăng mà đa số người dân đã thờ ơ với nó, để nó được độc quyền tiêu thụ trên thị trường?
Xăng A92, A95 đang lưu thông phổ biến trên thị trường thế giới. Bản thân Việt Nam cũng đang nhập hai loại xăng này để về đem pha chế thành xăng E5, xăng E5 có phải là sản phẩm độc đáo, bí quyết của Việt Nam hay không?
Không thể đem những lập luận vu vơ ca tụng xăng E5 là “xăng sinh học”, “bảo vệ môi trường” so với xăng A92 (và cả A95) mà không có bất cứ luận chứng khoa học cụ thể nào để chứng tỏ sự ưu việt vượt trội, kể cả về giá.
Chưa kể việc lảng tránh những ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất tinh bột từ củ sắn, sản xuất cồn ethanol từ tinh bột, hay việc trồng cây sắn (mì) ồ ạt để cung cấp cho sản xuất tinh bột để sản xuất ethanol thì có thể lợi bất cập hại.
Vì đây là loại cây trồng nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng của đất, rất khó trồng các loại cây khác sau này dù có tăng cường đầu tư phân bón cải tạo đất. Đó là chưa kể việc sản xuất ethanol hiện nay hầu như chỉ do một doanh nghiệp (Công ty Tùng Lâm) sản xuất.
“Sử dụng xăng A92, A95 hay E5 là tạo nhiều phương án lựa chọn cho dân, để mỗi người dân tự lựa chọn, không được áp đặt. Chính quyền phải quan tâm đến nhu cầu sử dụng của đa số người dân, chứ không phải vì sự tồn tại của một doanh nghiệp độc quyền hay vì mưu lợi của nhóm lợi ích mà áp đặt người dân, hoàn toàn không thể có sự đánh đổi nhu cầu trong chuyện này. Không được thách thức phản ứng của người dân” - bạn Trang nêu rõ.
Lý do để khai tử các loại xăng A92, A95 là hoàn toàn không thuyết phục. Ảnh: TÚ UYÊN
Nếu giá RON95 có tăng gấp đôi, tôi vẫn cắn răng dùng
Độc giả Trần Nam Trung đặt vấn đề: Là người tiêu dùng, tôi cũng đã thử dùng xăng E5, thấy xe có vấn đề, chuyển sang RON95 thì thấy rất bình thường. Do vậy tôi chỉ dùng RON95. Tôi đã nghĩ, giá xăng E5 có giảm một nửa, giá RON95 có tăng gấp đôi, tôi vẫn cắn răng dùng RON95. Giờ định xóa sổ RON95 thì biết làm sao đây? Đi bộ!
Tôi cho rằng nếu khi đưa xăng E5 vào thị trường, qua thời gian, mọi người không đoái hoài đến RON95 nữa thì mới nghĩ đến chuyện xóa sổ RON95. Đừng làm theo kiểu BOT cầu Việt Trì, bắt người ta đi qua cầu phải trả tiền trong khi cầu cũ vẫn dùng tốt. Sau đó dân phản đối, lại phải cho đi cầu cũ.
"Thử làm một bài toán kinh tế: Xóa RON95, doanh nghiệp được lợi bao nhiêu và người tiêu dùng bị thua thiệt bao nhiêu và nói chung cái đó ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống người dân và đối với cả xã hội?" - độc giả Trung nêu vấn đề.