Mới đây, liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định giữ ổn định giá xăng E5 với mức giá 18.243 đồng/lít, có được giá ổn định cho xăng E5 là do cơ quan điều hành quyết định tăng mức chi quỹ với xăng E5 thêm 311 đồng/lít, lên mức 857 đồng/lít và giảm mức chi Quỹ bình ổn giá với xăng khoáng về 0 đồng/lít.
Sau khi xăng A92 bị khai tử từ 1-1-2018 nên trong bảng giá các mặt hàng xăng dầu được công bố không còn mặt hàng này.
Theo Bộ Công Thương, cơ quan quản lý chỉ điều hành các mặt hàng xăng dầu phổ biến, riêng xăng A95 là loại xăng “cao cấp” do các doanh nghiệp (DN) tự quyết định giá bán.
Các DN đầu mối cho biết từ ngày 4-1 giá xăng A95 tăng thêm 780 đồng/lít, lên 20.690 đồng/lít; cao hơn xăng E5 khoảng 2.000 đồng/lít.
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex cho biết giá xăng dầu do liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh hai tuần một lần theo giá dầu thế giới và từ mức trích, chi quỹ bình ổn. Tất cả đều phải được thực hiện theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu và Luật Giá. Đợt điều chỉnh giá các mặt hàng trên đều do giá thế giới tăng; riêng xăng E5 được quyết định giá cũ, không tăng.
Người tiêu dùng đang mua xăng E5.
Cùng nhận định trên, một đầu mối xăng dầu TP.HCM giải thích xăng A95 là mặt hàng cao cấp, trước nay giá xăng A95 do DN tự quyết định theo giá xăng dầu thị trường thế giới. Loại này cũng không nằm trong giá cơ sở mà liên bộ công bố như xăng A92.
Cũng theo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nói trên, vừa qua giá xăng A95 điều chỉnh tăng một phần do giá thế giới tăng, một phần nhằm tạo chênh lệch lớn với xăng E5 để thu hút người tiêu dùng. Giá xăng E5 không tăng giá là do trích quỹ bình ổn 857 đồng/lít, chứ nếu không trích quỹ bình ổn thì giá xăng E5 cũng đã tăng vì 95% của E5 là xăng A92.
“Việc tạo ra giá xăng E5 phải chênh lệch khoảng 2.000 đồng so với A95 để thu hút người dùng cũng là điều mà trước đây Chính phủ khuyến khích nhằm tăng tiêu thụ xăng E5”- vị này nói.
Trước đây, khi Bộ Công Thương làm việc với các DN đầu mối ở Hà Nội và TP.HCM để triển khai bán xăng E5 theo lộ trình 1-1-2018, ngoài việc sẵn sàng bán và đảm bảo nguồn cung cho thị trường thì các DN cũng kiến nghị làm sao giá xăng E5 phải thấp hơn xăng A95 1.500-2.000 đồng/lít để thu hút người dân dùng xăng E5.
Vấn đề này cũng được Sở Công Thương TP.HCM lên tiếng tại hội thảo Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững, do Bộ Công Thương tổ chức cuối năm 2017. Theo đó, Sở kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng E5 thấp hơn giá xăng A95 1.500-2.000 đồng/lít để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng.
Mặc dù xăng E5 vừa được bán đại trà chưa đầy một tuần, các đơn vị kinh doanh chưa có thống kê cụ thể xăng nào được tiêu thụ nhiều hơn. Tuy nhiên, thông tin ban đầu cho thấy hiện tỉ lệ đổ xăng E5 và A95 là 30/70, có đơn vị 50/50.