Ngày 19-4-2008: Vệ tinh VINASAT-1 đã bay lên quỹ đạo

Tên lửa đẩy Ariane 5 ECA mang theo hai vệ tinh: Vệ tinh Star One C2 của Brazil và vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam. Hiện nay, Ariane 5 là loại tên lửa đẩy duy nhất trên thị trường thương mại có khả năng phóng cùng lúc hai vệ tinh.

Với vệ tinh VINASAT-1, Việt Nam đã trở thành nước thứ 93 trên thế giới và là nước thứ sáu tại Đông Nam Á có vệ tinh riêng.

Tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các bộ, ngành đã theo dõi truyền hình trực tiếp sự kiện này.

Sau khi chứng kiến vệ tinh VINASAT-1 được phóng thành công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Marshall Byrd, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lockheed Martin Commercial Space Systems của Mỹ và Giám đốc Tập đoàn Arianespace Đông Nam Á Richard Bowles đến chúc mừng.

Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác của các đối tác Telesat-Canada (nhà thầu tư vấn), Lockheed Martin Commercial Space Systems (tập đoàn sản xuất thiết bị công nghệ vũ trụ lớn nhất của Mỹ) và Arianespace (nhà thầu phụ của châu Âu đảm nhận phóng vệ tinh) trong việc hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để thực hiện thành công dự án phóng vệ tinh VINASAT-1.

Giám đốc Tập đoàn Arianespace Đông Nam Á Richard Bowles tặng quà lưu niệm cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: TTXVN
Giám đốc Tập đoàn Arianespace Đông Nam Á Richard Bowles tặng quà lưu niệm cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: TTXVN

Tường thuật của Reuters

Nội dung tường thuật của Hãng tin Reuters về buổi phóng vệ tinh VINASAT-1 tóm tắt như sau:

Đêm xích đạo sáng lên dưới ánh lửa của tên lửa đẩy Ariane 5 ECA. Những người tham dự buổi phóng vệ tinh VINASAT-1 tập hợp trong phòng kiểm soát Jupiter. Trong số này có khoảng gần 100 người Việt Nam, bao gồm các quan chức, chuyên viên kỹ thuật và nhà báo.

26 phút sau khi bay lên bầu trời rất khoáng đãng, tên lửa đẩy Ariane 5 ECA đã đưa vệ tinh Star One C2 của Brazil vào quỹ đạo trung gian (độ cao từ 200-36.000 km) trước khi chuyển sang quỹ đạo địa tĩnh. Năm phút sau, đến lượt tên lửa đẩy đưa vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam vào quỹ đạo.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp có mặt tại bãi phóng Kourou đã vui mừng cho biết: “Đây là một bước tiến quan trọng của Việt Nam. VINASAT-1 sắp mang lại cho Việt Nam độ phủ sóng viễn thông tốt hơn. Với độ phủ sóng ấy, Việt Nam sẽ trở thành nước thứ sáu của Đông Nam Á về viễn thông”...

Ông Phạm Long Trận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, phát biểu: “Hơn 70% diện tích Việt Nam là vùng rừng núi. Vì vậy vệ tinh rất quan trọng để cung cấp các dịch vụ viễn thông cho cư dân trong những vùng này”.

Tên lửa đẩy Ariane 5 ECA chuẩn bị tách vệ tinh VINASAT-1. Ảnh: TTXVN
Tên lửa đẩy Ariane 5 ECA chuẩn bị tách vệ tinh VINASAT-1. Ảnh: TTXVN

Cơ hội bán sóng viễn thông

Sự kiện lần đầu tiên vệ tinh của Việt Nam bay lên quỹ đạo đã thu hút sự quan tâm của báo chí thế giới, đặc biệt là báo chí ở Pháp đều đồng loạt đưa tin.

Hãng tin AFP (Pháp) đánh giá sự kiện này là một bước nhảy vĩ đại của Việt Nam và nhận xét: Vệ tinh VINASAT-1 sẽ truyền sóng viễn thông ở Đông Nam Á, Myanmar, một phần Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Úc và Hawaii (Mỹ), vì vậy Việt Nam hoàn toàn có khả năng ký kết các hợp đồng bán sóng viễn thông với các nước trên.

AFP dẫn lời Phó Tổng Giám đốc VNPT Lâm Hoàng Vinh cho biết: Hai nước Thái Lan và Singapore đã liên lạc với VNPT để mua sóng.

Tân Hoa xã (Trung Quốc) đã trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi vệ tinh VINASAT-1 được phóng thành công và khẳng định: Việt Nam đã xác lập chủ quyền lãnh thổ trên không gian và sự kiện này đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo mạng Bloomberg (Đức), vệ tinh VINASAT-1 sẽ thu hẹp khoảng cách về viễn thông giữa nông thôn và thành thị tại Việt Nam. Bloomberg cũng đã dẫn lời nhiều quan chức cấp cao trong ngành viễn thông Việt Nam phát biểu về sự kiện này.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam Thân Trọng Phúc cho rằng các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam sẽ là nơi hưởng lợi nhiều nhất từ vệ tinh VINASAT-1.

Trạm điều khiển vệ tinh tại Quế Dương (Hà Tây). Ảnh: AFP
Trạm điều khiển vệ tinh tại Quế Dương (Hà Tây). Ảnh: AFP

Arianespace đặc biệt hãnh diện

Trang web của Tập đoàn châu Âu Arianespace nhấn mạnh: Tập đoàn Arianespace đặc biệt hãnh diện vì đã phóng VINASAT-1, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam.

Hồ sơ kỹ thuật của Tập đoàn Arianespace ghi nhận vệ tinh VINASAT-1 nặng 2.600 kg, do Tập đoàn Lockheed Martin Commercial Space Systems của Mỹ chế tạo tại nhà máy ở Newtown (bang Pennsylvania, Mỹ). Vệ tinh định vị tại 132o Đông trên quỹ đạo địa tĩnh, có thời gian hoạt động hơn 15 năm.

Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu không gian quốc gia Pháp Yannick d’Escatha phát biểu cảm thấy rất hài lòng về lần phóng vệ tinh này.

Ông Jean-Yves Le Gall, Tổng Giám đốc-Chủ tịch quản trị Tập đoàn Arianespace, cho biết sau buổi phóng vệ tinh VINASAT-1: “Năm ngoái, chúng tôi đã ký 13 hợp đồng cho tên lửa đẩy Ariane 5 và bốn hợp đồng cho tên lửa đẩy Soyouz. Chúng tôi hy vọng tối thiểu cũng sẽ đạt được chừng ấy hợp đồng trong năm nay. Đến giờ chúng tôi đã ký được ba hợp đồng rồi”.

Ông thông báo trong năm 2008 ít nhất sẽ có bảy lần phóng tên lửa đẩy Ariane 5. Lần phóng sắp tới dự kiến vào ngày 23-5, đưa hai vệ tinh Skynet 5C của Anh và Turksat 3A của Thổ Nhĩ Kỳ lên quỹ đạo. Dự kiến từ năm tới, lần đầu tiên Trung tâm Không gian châu Âu tại tỉnh Guyane sẽ phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy Soyouz của Nga vì tên lửa này có thể đẩy vệ tinh nặng đến ba tấn.

Tại lễ chứng kiến sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu:

“... Đây là dự án có ý nghĩa chính trị và kinh tế-xã hội to lớn, thể hiện chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế... VINASAT-1 sẽ nâng cao năng lực và độ an toàn cho mạng truyền dẫn viễn thông quốc gia với vai trò hỗ trợ và dự phòng cho các mạng truyền dẫn mặt đất và trên biển.

Lần phóng hai vệ tinh Star One C2 của Brazil và VINASAT-1 của Việt Nam vào ngày 19-4-2008 là lần phóng thứ hai trong năm 2008 của Trung tâm Không gian châu Âu ở tỉnh Guyane (Pháp), lần phóng thứ 182 của tên lửa đẩy Ariane, lần phóng thứ 38 của thế hệ tên lửa đẩy Ariane 5 và lần phóng thứ 13 của thế hệ tên lửa đẩy Ariane ECA

.

N.LONG - H.CẨM (Theo France Info, Flashespace, Xinhua, Reuters, Bloomberg, AFP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm