Đối phó dịch Ebola: WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan nhận định các nước có dịch Ebola đơn giản chỉ vì không đủ khả năng quản lý dịch bùng phát, do đó cộng đồng quốc tế cần phối hợp hỗ trợ. Bà kêu gọi các nước có dịch Ebola nên ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Tại Mỹ, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa tin ngày 7-8, Bộ Ngoại giao đã chỉ thị đưa gia đình các nhân viên ngoại giao ở đại sứ quán Mỹ tại Monrovia (Liberia) về nước đồng thời tiếp tục khuyến cáo công dân Mỹ không nên đến Liberia. Mỹ sẽ cử thêm 12 chuyên gia Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh và 13 chuyên viên thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đến Liberia hỗ trợ dập dịch.

Trong khi đó, Reuters đưa tin Ủy ban Kinh tế các nước Tây Phi (15 nước) đã thông báo ngừng hội họp trong tháng 8. Tại Liberia, Bộ Quốc phòng thông báo quân đội phát động chiến dịch “Lá chắn sạch” nhằm lập chốt kiểm soát để cách ly các địa phương nhiễm dịch. Quân đội và cảnh sát kiểm tra xe ra vào 8/15 quận và hạn chế ra vào thủ đô Monrovia. TP Gbakedou bị phong tỏa. Các nhân viên y tế đã dọa sẽ đình công nếu chính phủ không cung cấp đủ thiết bị phòng, chống Ebola.

Tại Sierra Leone, các binh sĩ đã phong tỏa hai thành phố Kailahun và Kenema ở miền Đông. Các quán bar và khu vui chơi giải trí phải đóng cửa. Xe máy và xe taxi bị hạn chế lưu thông từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối. Bệnh nhân Ebola tử vong phải được hỏa thiêu tại nơi chết. Tại Guinea, 11/33 tỉnh đã có người nhiễm Ebola. Tại Nigeria, Bộ Y tế thông báo sẽ kiểm tra hành khách đi máy bay và ai nhiễm Ebola sẽ không được ra nước ngoài.

Ngày 7-8, linh mục Miguel Pajares Martin 75 tuổi, bệnh nhân đầu tiên nhiễm Ebola ở châu Âu, đã được máy bay quân sự đưa về tới Madrid (Tây Ban Nha) để điều trị. Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết có thêm một linh mục nữa người Tây Ban Nha bị nghi nhiễm Ebola đang được đưa về nước.

DUY KHANG - TNL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm