Khám phá lễ hội cá tại Đức

Một sáng đầu thu, tôi theo chân chú Ánh, một đầu bếp người Việt và là chủ một nhà hàng món Việt tại TP Ilmenau, bang Thüringen (CHLB Đức) đến lễ hội cá. Chú nói: “Một năm mới có một lần, ra đấy kiếm cá vừa tươi, vừa rẻ về ăn”.

Cô chú Ánh rất quan tâm và thường giúp đỡ cho các du học sinh người Việt như chúng tôi, có cái gì hay, bổ ích, cô chú đều nhắn để chúng tôi "tranh thủ".

Hai chú cháu chuẩn bị mấy cái xô và một cái khay lớn rồi đánh xe vào khu hồ cá. Bản thân tôi cũng là dân quê, rất hứng thú với những việc như tát nước bắt cá, lội bùn mò cua. Thế nhưng “lãng mạn hóa” việc bắt cá bắt tôm thành một lễ hội thì tôi chưa nghe bao giờ.

Theo lời chú Ánh, lễ hội tổ chức trong hai ngày, có cả trống kèn và rất nhiều người tham gia. Ngày đầu tiên người ta sẽ xả nước hồ để bắt cá, bán cá tại hồ; ngày thứ hai sẽ bán cá và các loại ẩm thực về cá, phổ biến các thông tin về các loại cá, triển lãm những con cá trong hồ cỡ “khủng”.

Khu vực lễ hội gồm bốn hồ nước lớn nhỏ khác nhau nằm cạnh Trường ĐH Ilmenau. Các hồ do TP Ilmenau quản lý nhưng được tư nhân thầu lại để nuôi cá và tổ chức lễ hội cá hằng năm.

Các hồ chứa được thông với nhau bằng đường mương để khi kéo lưới, người ta chỉ việc tháo nước chuyển từ hồ này sang hồ khác. Làm như vậy vừa bắt cá hiệu quả và không tốn nhiều nhân công.

Chú Ánh chỉ cho tôi hệ thống mương thông các hồ với nhau.

Cá khu vực này được nuôi gần như dựa vào môi trường tự nhiên, rất hạn chế cho thức ăn nhân tạo và tuyệt đối không dùng thức ăn tăng trưởng. "Cá càng tự nhiên thì giá trị càng cao, nếu cá cho ăn thức ăn tăng trưởng thì đã không có sự kiện một năm một lần để chờ cá lớn như thế này" - vị này nói.

Nước hồ được tháo ra chuyển sang hồ khác, còn lại cá sẽ được dùng lưới chuyển đến khu vực vớt.

Dù rất vất vả nhưng anh thợ kéo cá vẫn tươi cười gật đầu khi tôi xin phép chụp một tấm ảnh.

Tôi cảm thấy người Đức rất quý cá. Giá cá bán ở các siêu thị thường rất đắt. Có thể vì đặc điểm địa hình, khí hậu nên cá đồng dường như không mấy phổ biến ở Đức, thậm chí nước này phải nhập khẩu cá nước ngọt (như cá da trơn) rất nhiều.

Một số nơi ở Đức, thực khách muốn ăn món cá phải đặt trước bởi không phải lúc nào cũng có hàng ngon, nhất là những bữa cá tươi sạch như ngày hội cá.

...

9 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời chưa đến 10 độ C, mưa lâm râm, nhóm những người công nhân bắt cá bắt đầu họp vòng tròn bên cạnh chiếc xe cần cẩu chờ sẵn để tải cá.

Hàng trăm người đến khu vực kéo cá từ rất sớm giữa tiết trời lạnh buốt.

Hồ đã được tháo cạn gần hết, chỉ còn một khu vực được vét trũng còn nước cao qua đầu gối, để lộ những đàn cá tươi roi rói đang quẫy đạp rộn rã cả mặt nước.

Người ta thông vùng nước này với một đường mương có vách ngăn được xây trám xi măng. Mục đích là để khi lùa cá vào mương công nhân chỉ cầm vợt để vớt cá, như vậy bùn sẽ không làm cá bị bẩn.

Xe cần cẩu đưa bồn cá đổ vào một máng trượt đặt sau bốn cái thùng lớn. Các công nhân cẩn thận ôm từng con cá, ước lượng và phân loại vào từng thùng.

Thỉnh thoảng có một chú cá “ngoại cỡ”, người công nhân sẽ ôm con cá, đưa lên cho tất cả người dân cùng xem. Đa số cá đã được các nhà hàng nhanh tay đặt trước. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cá cho người dân lựa chọn. Người Việt đến đây khá đông, mang theo nhiều xô chậu để mua cá.

Cá được cần cẩu chuyển qua phân loại.

Cá được phân loại vào các thùng lớn.

Điều thú vị là cá ở đây không bán cho người dùng túi nylon hay túi xách để đựng, chỉ cho phép khách mua cá đựng bằng xô, chậu hoặc khay.

Chú Ánh giải thích là vì yêu cầu vệ sinh nhưng tôi lại thấy việc cho cá vào xô nước vừa giữ cá tươi sống vừa (ở góc độ nhân văn) khiến chú cá và cả người mua vui vẻ hơn.

Cá được phân loại tại chỗ.

Nói vậy để thấy người Đức nói riêng và châu Âu nói chung, họ hành xử rất chuẩn mực với động vật ngay cả khi là động vật là thức ăn của con người. Thậm chí nhiều nước còn có luật bảo vệ động vật nuôi (gia súc, gia cầm,...), cấm hành vi đối xử tàn bạo, thiếu tính nhân văn với động vật trong khi nuôi và cả ngay khi chuẩn bị giết mổ.

Trong cái rét của tiết trời vùng cao miền Đông nước Đức, tôi chợt có chút ấm lòng khi thấy anh công nhân, dẫu phải lội dưới lòng hồ đặc quánh bùn lầy, vẫn ôm gọn gàng những con cá 3-5-7 kg vào lòng và tươi cười hạnh phúc như thể ôm một người bạn.

Trẻ em đến đây rất đông, chúng vô cùng hào hứng khi thấy  từng con cá được vớt lên nặng trĩu. Các bé nhỏ tỏ ra thích thú nhưng cũng rất trật tự khi xem chứ không hiếu động chạy loanh quanh (có thể gặp nguy hiểm) - một hình ảnh nề nếp kiểu mẫu của trẻ con ở Đức.

Tôi nghe những câu hỏi tíu tít như “đó là gì thế” hay “họ đang làm gì thế”... hẳn đây sẽ là một ngày bội thu cho bọn trẻ về cá, kiến thức xã hội và cả cách đối xử với thành quả mà người lao động chờ đợi cả năm để có.

Có bé còn được cho vớt cá theo sự phân công của người lớn.

Cách bờ hồ tầm năm phút đi bộ là khu trưng bày các gian hàng thức ăn làm từ cá, cũng như các kiốt bán cá tươi. Ngoài bày bán cá, ở đây còn triển lãm nhiều thông tin chung, hay cách nhận dạng bằng hình ảnh về rất nhiều loại cá - thứ mà không chỉ trẻ con mà cả người lớn như tôi cũng rất tò mò.

Một góc kiốt triển lãm thông tin về cá.

Một kiốt bán cá tươi.

Tôi chỉ kịp mượn cây bút chì ghi lại vài dòng cảm xúc phòng khi trí nhớ phản bội lại mình. Nhờ thế mà tôi phát hiện ra nhiều người cũng đợi chờ cả năm để đến đây ghi lại những khoảnh khắc mà con người và thiên nhiên dường như hòa làm một. Những khoảnh khắc “chân lấm tay bùn” hiếm hoi đầy lãng mạn giữa tiết trời rét buốt trên xứ sở của nhà máy và những khu công nghiệp khổng lồ.

Chú Ánh mua một lúc mấy chục con cá to rồi chúng tôi vội vàng ra xe trở về để chuẩn bị bàn ăn cho những thực khách đang háo hức. Chiếc xe chạy xuyên qua khu rừng, để lại phía sau đám đông vẫn còn mải mê với những con cá tươi rói, món ăn thơm lừng và những câu chuyện về cá đầy thú vị giữa đồng nội.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.