Ngày 5-9, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã thay tên Ấn Độ bằng từ tiếng Phạn “Bharat” trong thư mời dự tiệc tối tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Động thái làm dấy lên đồn đoán rằng Ấn Độ muốn đổi tên nước, theo đài Al Jazeera.
Cụ thể, thư mời gọi Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu là “Tổng thống Bharat”.
Theo Hiến pháp Ấn Độ, quốc gia này có hai tên gọi chính thức Ấn Độ và Bharat nhưng cái tên đầu tiên được sử dụng phổ biến hơn, cả trong nước và quốc tế.
Cái tên Ấn Độ là từ Anh hóa của từ tiếng Phạn “Indus (chỉ sông Ấn) và được sử dụng từ thời Ấn Độ là thuộc địa của Anh (1858-1947). Tên Bharat cũng có nguồn gốc tiếng Phạn và được tìm thấy trong văn bản tôn giáo cổ của đạo Hindu.
Trung tâm hội nghị Bharat Mandapam ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) - nơi sẽ diễn ra các cuộc họp của hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 9 và 10-9 tới. Ảnh: THE TIMES |
Việc đưa từ “Bharat” và thư mời được thực hiện sau lời kêu gọi đổi tên nước của ông Mohan Bhagwat - người đứng đầu tổ chức dân tộc chủ nghĩa Hindu Rashtriya Swayamsevak Sangh và là cố vấn tư tưởng của đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền.
“Đôi khi chúng ta sử dụng từ Ấn Độ để những người nói tiếng Anh hiểu. Nhưng chúng ta phải ngừng sử dụng cách này. Tên của đất nước Bharat sẽ vẫn là Bharat dù bạn đi đâu trên thế giới” - theo ông Bhagwat.
Các quan chức của đảng BJP cũng ủng hộ việc thay đổi tên nước, cho rằng cái tên Ấn Độ do Anh đặt và là “biểu tượng của chế độ nô lệ”. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ chưa xác nhận thông tin sẽ thay đổi tên nước.
Theo giới phân tích, việc đổi tên nước nếu được thực hiện sẽ thể hiện mong muốn đưa Ấn Độ tách khỏi quá khứ thuộc địa.
“Có thể thấy rằng ông Modi và đảng BJP muốn tách Ấn Độ hiện đại khỏi quá khứ thuộc địa. Và vì vậy, chúng ta đã thấy Ấn Độ đổi tên các đường phố có tên ám chỉ quá khứ thuộc địa” - theo ông Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson (Mỹ).
Trong khi đó, nhà sử học về Ấn Độ đương đại Ravinder Kaur nói rằng 2 tháng trước, liên minh các đảng đối lập đã tự xưng là “ẤN ĐỘ” (INDIA) trước cuộc tổng tuyển cử Ấn Độ năm 2024, đây có thể là một phần nguyên nhân thúc đẩy đảng của ông Mori muốn đổi tên nước.
Thông tin về ý định đổi tên đang gây tranh cãi ở Ấn Độ, cả trong dân chúng và giữa các đảng phái.
Ngoài hai tên gọi nêu trên, đất nước Nam Á này còn một tên gọi phổ biến khác là Hindustan, có nghĩa là “vùng đất của sông Ấn” trong tiếng Ba Tư, thường được sử dụng trong văn học và các hình thức văn hóa đại chúng khác.