Trí tuệ nhân tạo được dùng cứu rừng Amazon như thế nào?

(PLO)- Các nhà khoa học gắn hộp cảm biến có tích hợp trí tuệ nhân tạo trên một số thân cây trong rừng Amazon ngăn nạn phá rừng.

Các nhà khoa học và môi trường có sáng kiến mới để bảo vệ rừng: sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Thời gian gần đây, một số thân cây trong rừng Amazon (Brazil) được gắn hộp cảm biến nhỏ có tích hợp công nghệ AI.

Theo hãng tin AFP, đây là một phần trong dự án Curupiras, được xem là “vũ khí” mới nhất của các nhà khoa học và nhà bảo vệ môi trường trong cuộc chiến chống nạn phá rừng.

Ông Thiago Almeida - Giám đốc dự án trên - cho biết những chiếc hộp Curupiras được đặt theo tên một sinh vật sống ở rừng trong văn hóa dân gian Brazil.

8c8e733c07b823e9bea9be144b25efb2e3ddd466.jpg
Một thân cây trong rừng Amazon được gắn hộp cảm biến Curupiras. Ảnh: AFP

Hộp cảm biến Curupiras được thiết lập "để nhận biết âm thanh của tiếng máy cưa và máy kéo hoặc bất cứ thứ gì có thể gây ra nạn phá rừng".

Sau khi ghi nhận âm thanh của các loại máy cưa và máy kéo, hộp cảm biến sẽ chuyển thông tin về địa điểm xuất hiện âm thanh đến trung tâm quản lý. Sau đó, các đặc vụ sẽ được triển khai để ngăn chặn những kẻ phá rừng.

Nhà nghiên cứu Raimundo Claudio Gomes - thuộc ĐH bang Amazonas (Brazil) - cho biết ưu điểm của thiết bị này là nó thông báo tín hiệu ngay khi những kẻ phá rừng bắt đầu hành động.

Theo ông Gomes, dự án Curupiras vừa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm và cho kết quả “rất hứa hẹn”.

Ông Gomes cho biết không giống như các hệ thống cảm biến âm thanh được sử dụng ở những quốc gia khác, hộp cảm biến Curupiras tương đối rẻ vì không yêu cầu dùng ăng ten lớn để truyền dữ liệu.

Theo hãng tin AFP, mỗi cảm biến có giá khoảng từ 200 USD đến 300 USD.

Nhóm phụ trách dự án Curupiras đang tìm nguồn tài trợ để mua thêm cảm biến gắn cho các cây trong rừng Amazon.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm