Theo hãng tin AFP, công ty Bảo vệ Môi trường Jinshang (Jinshang Environment Protection) ở Trung Quốc đã tìm ra cách xử lý lượng dầu mỡ dư thừa từ các món lẩu thành dầu công nghiệp để tạo ra nhiên liệu máy bay.
Tổng giám đốc công ty Jinshang – ông Ye Bin cho biết kể từ khi công ty được thành lập vào năm 2017, tổng sản lượng dầu công nghiệp sản xuất từ dầu thừa của món lẩu đã tăng lên hàng năm.
Ông Ye Bin cũng cho biết hiện công ty của ông đang kết hợp với các nhà hàng lẩu và các quán ăn trên khắp TP Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) để sản xuất 150.000 tấn dầu công nghiệp hàng năm.
Hàng đêm, công ty Jinshang sẽ thuê những người làm nhiệm vụ thu gom dầu thừa. Công việc của họ là đến tận nơi và thu gom dầu ở hàng trăm nhà hàng xung quanh khu vực tây nam của Trung Quốc. Những người này mang tạp dề dày và đeo găng tay cao su dài đến khuỷu tay để thu thập những thùng đựng dầu mỡ.
Sau đó, những người thu gom sẽ vận chuyển các thùng dầu này đến nhà máy của Jinshang. Tại đây, dầu sẽ qua các khâu tinh chế nhằm loại bỏ nước và tạp chất để tạo ra loại dầu công nghiệp trong suốt, có lẫn màu vàng.
Kế đến, công ty Jinshang sẽ xuất khẩu dầu đã qua xử lý sang châu Âu, Mỹ và Singapore. Những công ty ở đây sẽ tiếp tục xử lý để tạo ra "nhiên liệu hàng không bền vững" (SAF).
Công ty Jinshang dự định mở rộng cơ sở sản xuất SAF và sử dụng thiết bị của công ty Honeywell của Mỹ để nâng mức sản xuất lên 300.000 tấn dầu công nghiệp mỗi năm.
Thực tế, mô hình sản xuất nhiên liệu máy bay của Jinshang là một trong những dự án của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề lãng phí thức ăn của nước này.
Lãng phí thức ăn là vấn đề nhức nhối đối với các thành phố của TQ và là mối đe dọa lớn đối với các mục tiêu về khí hậu toàn cầu. Hiện tại, TQ đang kêu gọi triển khai các dự án xử lý chất thải thực phẩm trên khắp nước.
Mặc dù vậy, nhiên liệu máy bay từ dầu thừa của món lẩu vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Thực tế, loại dầu này chiếm chưa đến 0,1% tổng lượng nhiên liệu máy bay. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí xử lý khá cao và số lượng nhà cung cấp loại nhiên liệu máy bay này vẫn còn tương đối ít.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nếu như được áp dụng rộng rãi, nhiên liệu máy bay từ dầu thừa của món lẩu có thể “đóng góp khoảng 65% vào việc giảm lượng khí thải mà ngành hàng không cần để đạt mức 0 vào năm 2050”.