Việc lãng phí thực phẩm sẽ dẫn đến lãng phí về tài nguyên, quỹ đất, nguồn nước, vật tư nông nghiệp, nhiên liệu hóa thạch... làm tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Theo khảo sát, Việt Nam cũng là nước có tình trạng lãng phí thực phẩm cao, rất cần những giải pháp cải thiện nhanh chóng.
Thay đổi cách sống...
Lãng phí thực phẩm là vấn đề mà cả thế giới đang quan tâm bởi chúng liên quan đến cả sức khỏe và môi trường sống của con người. Tại Việt Nam, nhà hàng, quán ăn mọc lên như nấm và người ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng thức ăn thừa bị bỏ đi. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, tình trạng thiếu lương thực vẫn xảy ra triền miên.
Đứng trước tình trạng trên, năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về “Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025”. Một trong những mục tiêu của kế hoạch quốc gia là đến năm 2025 là “lương thực không bị thất thoát, lãng phí”. Theo số liệu thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia ''Không còn nạn đói ở Việt Nam’’, hiện Việt Nam đã đạt tỉ lệ đói nghèo giảm từ 60% (1990) xuống còn 8% (2018); Sản xuất lương thực 50 triệu tấn và xuất khẩu 7 triệu tấn gạo/năm; Xuất khẩu nông sản đứng thứ 15 với 40 tỉ USD (2018). Nhưng thực tế cho thấy ở nhiều địa phương, vẫn còn nhiều hộ nghèo, phải chịu cảnh đói khổ.
Lập kế hoạch mua sắm là cách làm hiệu quả giúp chúng ta tiết kiệm và bảo vệ môi trường
Để bảo tồn năng lượng và tài nguyên, giảm ô nhiễm, các tổ chức vì môi trường đã đưa ra một số giải pháp đễ thực hiện ở phạm vi gia đình. Theo đó, chỉ cần thay đổi vài thói quen là chúng ta đã có thể tiết kiệm lương thực, chi phí tiêu dùng. Đơn cử như trước khi đi mua thực phẩm, bạn hãy xem qua những thức ăn có trong tủ lạnh hay những thực phẩm khô dự trữ. Điều này giúp chúng ta kiểm soát được số lượng, tránh mua thêm quá nhiều dẫn đến việc không thể tiêu thụ hết. Đồng thời, sắp xếp những thức ăn thừa, thực phẩm cũ nằm ở ngoài, gần cửa tủ lạnh. Bởi vì chỉ cần mở cửa tủ là chúng ta sẽ thấy ngay và lên kế hoạch sử dụng. Chỉ cần một chút khéo léo là bạn có thể tận dụng những thức ăn sẵn có để nấu nướng một bữa cơm ngon lành và tiết kiệm. Các bà nội trợ hãy nhớ việc lên thực đơn hàng ngày là rất quan trọng. Điều đó giúp bạn biết mình cần mua những thứ gì để chuẩn bị cho việc nấu nướng, như thế tốt hơn là lựa chọn những thứ nằm trong tầm mắt mà chưa dùng đến.
Chung tay góp phần tạo lối sống bền vững
Đại dịch COVID-19 đang khó lường sẽ khiến rất nhiều người gặp khó khăn. Do vậy, ngoài những biện pháp trên, mỗi người dân đều có thể làm để thay đổi thói quen tiêu dùng không bền vững, cải thiện chất lượng sống thông qua những hành động nhỏ. Ở từng hoàn cảnh cụ thể chúng ta sẽ có những giải pháp sáng tạo khác nhau để chống lãng phí.
Nói về tình trạng lãng phí thực phẩm hiện nay, chị N.Q (quận 12) cho biết: “Bỏ phí thức ăn thì ai chẳng xót, đồng nghĩa với việc chúng ta quăng vào sọt rác những đồng tiền do mình làm ra. Thông thường trong gia đình thì phụ nữ chủ trì việc nấu nướng nên tôi nghĩ là các chị em hoàn toàn có thể thực hiện tốt và tránh lãng phí thực phẩm. Kinh nghiệm của tôi là nắm rõ sở thích của từng thành viên, biết được ai thích ăn gì để chuẩn bị thức ăn cho phù hợp, tôi cho rằng đó cũng là một trong những cách làm tốt để tránh lãng phí”.
Trong khi đó, chị T.H (quận 4) chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có tôi, ông xã và hai đứa con đang đi làm. Ban ngày thì tôi không phải nấu nướng gì nhiều vì chỉ có mình tôi ở nhà. Còn buổi tối thì có mặt cả gia đình nên tôi sẽ chuẩn bị bữa cơm đầy đủ hơn, nếu các con không ăn tối ở nhà thì chúng đều thông báo để tôi điều chỉnh lại lượng thức ăn đủ cho hai vợ chồng. Tôi nghĩ không hẳn là tiết kiệm thực phẩm, chắt bóp đến mức quá tiêu cực nhưng chỉ cần làm thế nào để không lãng phí, các con thích ăn gì thì cứ để chúng ăn nhưng đừng bỏ phí, thế là đã được rồi”.
Giải quyết được vấn đề lãng phí thực phẩm sẽ góp phần tạo lối sống bền vững, bảo vệ được môi trường và các nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm giảm thiểu lãng phí thực phẩm chỉ thực sự hiệu quả khi mỗi người nhận thức được vấn đề.