Thông tin trên được đưa ra tại diễn đàn "Thực phẩm và đồ uống Việt Nam 2019" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, ngày 25-11 tại Hà Nội.
Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN), cho biết ước tính Việt Nam tạo ra 6% lượng nhựa trên đại dương, xếp hàng thứ tư trên toàn cầu về lượng mảnh vỡ nhựa trên biển.
Toàn cảnh diễn đàn Thực phẩm và đồ uống Việt Nam 2019. Ảnh: TH
Dự báo đến năm 2030, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị tại Việt Nam có thể sẽ tăng hơn 40%.
"Đến thời điểm hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đã có 11.500 tiêu chuẩn của tất cả lĩnh vực, trong đó tiêu chuẩn liên quan đến thực phẩm và đồ uống có khoảng 2.000 tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thời gian tới các tiêu chuẩn, quy chuẩn này cần phải rà soát và sửa đổi để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hơn nữa, cũng như tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường" - ông Linh cho biết.
Ông Phạm Hoàng Hải (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) thông tin thêm mỗi năm thế giới sản xuất ra khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa nhưng cũng thải ra 8,3 tỉ tấn rác thải nhựa. Trong đó, một nửa các sản phẩm nhựa đều được sản xuất với mục đích dùng một lần, chỉ có 7% số rác thải nhựa được tái chế.
"Việc tái chế nhựa gặp nhiều khó khăn vì muốn tái chế nhựa thì phải tiến hành thu gom, phân loại, làm sạch. Điều quan trọng là hiện trên thế giới, trong đó có Việt Nam chưa xây dựng được thị trường sử dụng hạt nhựa tái chế" - ông Hải nói.
Từ thực tế trên, một số quốc gia đang phát triển công nghệ biến rác thải nhựa thành điện. Tuy nhiên, muốn biến rác thải nhựa thành điện thì rác thải nhựa phải được đốt ở nhiệt độ 400-700 độ C mới tạo ra điện. Nhưng ở nhiệt độ này, rác thải nhựa cũng sản sinh ra rất nhiều chất độc gây hại tới bầu khí quyển và sức khỏe con người.
Hiện trên thế giới, nước có khả năng tái chế và nhập khẩu rác thải nhựa nhiều nhất là Trung Quốc. Nhưng với chính sách môi trường của Trung Quốc hiện nay, họ lại cấm hoàn toàn việc nhập khẩu rác thải nhựa. Ấn Độ, Malaysia cũng đã chấm dứt việc nhập khẩu rác thải nhựa, tiếp tới là Việt Nam cũng vậy. Vậy rác thải nhựa sẽ đi đâu?
Từ lập luận trên, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng trong nhiều năm qua bao bì thực phẩm và đồ uống thường sử dụng chất liệu nhựa, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường. Để hạn chế rác thải nhựa thì các doanh nghiệp trong ngành này cần thay đổi cách đóng gói, bao bì để phát triển bền vững hơn.