Để nhân rộng phạm vi tuyên truyền mạnh mẽ tầm quan trọng của việc hạn chế rác thải nhựa, tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM phát động cuộc thi viết “Nói không với rác thải nhựa” tại TP.HCM. Ngay sau lễ phát động, nhiều người đã tham gia vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM).
Khối lượng rác thải nhựa “khổng lồ”
Theo ban tổ chức, ô nhiễm rác thải nhựa đang ngày càng báo động trên toàn thế giới. Báo cáo tại Hội nghị Davos (Thụy Sĩ) cho thấy ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển cho đến năm 2050 sẽ nhiều vô kể (tính theo trọng lượng). Nhưng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nylon mới bị phân hủy.
Ở Việt Nam, tính riêng năm 2015, cả nước sản xuất và tiêu thụ khoảng năm triệu tấn nhựa, trong đó khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng 30 tỉ túi nylon.
Theo thống kê của Bộ TN&MT, tính riêng Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon/ngày. Theo đó, Việt Nam xả ra đại dương 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6%) toàn thế giới), đứng thứ tư trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa thải ra biển (khoảng 730.000 tấn/năm).
Trên một số kênh rạch hiện nay có khá nhiều rác thải nhựa bị người dân ăn uống xong rồi cố ý xả xuống. “Có nhiều người dân vô ý thức tiện tay cầm bịch rác rồi bỏ xuống kênh, mặc dù ngay trước mặt họ có thùng rác. Còn những người dân sống ven kênh xả rác xuống là thường xuyên, túi nylon và chai nhựa, ly nhựa được thả trên kênh khá nhiều. Rất mong người dân nên có ý thức hơn để công nhân chúng tôi đỡ khổ và môi trường sống chúng ta ngày càng được cải thiện” - anh Thanh Hải, một công nhân vớt rác trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chia sẻ.
Các nghệ sĩ cùng chung tay vớt rác ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: N.CHÂU
Mỗi người dân đều phải có ý thức
Việc chống rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi đã đề ra một chủ trương để cùng thực hiện với Chính phủ trong việc chống rác thải nhựa. Mục tiêu là chúng ta kêu gọi toàn dân, tất cả cùng đồng hành để giảm rác thải nhựa. Công ty chúng tôi sẽ cùng các đơn vị thu gom, phân loại để giảm thiểu tình hình xả rác thải nhựa ở TP.HCM, đồng thời giảm xả rác ra đường và kênh rạch”.
Phát biểu tại lễ phát động cuộc thi viết “Nói không với rác thải nhựa”, ông Đặng Vương Hưng, Phó Tổng biên tập tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, cho biết cuộc thi nhằm tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức việc sử dụng rác thải nhựa. Qua đó tìm ra những mô hình hay để hạn chế rác thải nhựa, kết nối ý tưởng của tác giả với các doanh nghiệp, đơn vị để làm ra một mô hình hạn chế rác thải nhựa. Ngoài ra, cuộc thi cũng tuyên dương, khuyến khích sự đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp có mô hình, sản phẩm hạn chế rác thải nhựa.
Cách tham gia cuộc thi viết “Nói không với rác thải nhựa” Đối tượng tham gia cuộc thi khá rộng, gồm các chuyên gia, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, phóng viên… Cụ thể, học sinh có thể viết về ý tưởng, mô hình hạn chế nylon ở trường học; tiểu thương viết về ý tưởng hạn chế túi nylon ở chợ; người già viết về hạn chế túi nylon ở nhà; chuyên gia viết về ý tưởng sáng chế ra vật liệu hữu cơ; doanh nghiệp có thể quảng bá những sản phẩm họ sản xuất để hạn chế rác thải nhựa… Các tác giả sẽ gửi dự thi ý tưởng, mô hình, sản phẩm cụ thể, các bài viết gồm text, ảnh (bài viết không quá 1.200 chữ), infographic, video truyền hình, video đồ họa. Thời gian nhận bài thi từ nay đến ngày 15-2-2020. Về cơ cấu giải thưởng, sẽ có ba giải nhất được trao cho hạng mục Ý tưởng, Mô hình, Sản phẩm, trị giá mỗi giải là 10 triệu đồng. Hạng mục Báo chí sẽ có một giải nhất trị giá 20 triệu đồng, một giải nhì trị giá 10 triệu đồng và một giải ba trị giá 5 triệu đồng. |