Myanmar chơi ván bài Trung Quốc

Tân Hoa xã đưa tin ngày 17-8, bà Aung San Suu Kyi, cố vấn đặc biệt nhà nước Myanmar, đến Trung Quốc trong chuyến công du năm ngày.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc thứ hai của bà sau chuyến thăm đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái. Lúc đó bà đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình với tư cách chủ tịch Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD), đảng đối lập chính ở Myanmar.

Tân Hoa xã nhấn mạnh chuyến thăm này sẽ thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Myanmar lên tầm cao mới. Lý do bởi Trung Quốc là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar.

Song song đó, Trung Quốc cần đến vai trò đối tác chiến lược toàn diện với Myanmar để thúc đẩy các dự án khu vực như hành lang kinh tế giữa Bangladesh, Trung Quốc, Myanmar và Ấn Độ cũng như sáng kiến Con đường tơ lụa mới.

Đối với thị trường Myanmar, theo Tân Hoa xã, Trung Quốc có thể khai thác nhiều tiềm năng như giúp Myanmar cải thiện cơ sở hạ tầng và hai nước hợp tác khai thác tiềm năng thủy điện.

Trong khi đó, báo Le Monde ngày 18-8 đăng bài viết với đầu đề “Bà Aung San Suu Kyi chơi ván bài Trung Quốc”.

Bà Aung San Suu Kyi gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 18-8 tại Bắc Kinh. Ảnh: GETTY IMAGES

Bài viết ghi nhận sau khi chính phủ dân sự mới cầm quyền ở Myanmar hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Aung San Suu Kyi đã chọn Trung Quốc làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du đầu tiên của bà ngoài Đông Nam Á.

Điều này cho thấy mặc cho thời thế đổi thay, Myanmar vẫn duy trì quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc. So với Mỹ, Myanmar vẫn ưu tiên trong quan hệ với Trung Quốc hơn bởi đến tháng 9 tới bà Aung San Suu Kyi mới sang Mỹ.

Chuyên gia Chongkittavorn nhận xét trên báo Burma News International rằng một vấn đề ưu tiên của bà Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này là hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới hai nước.

Bà Aung San Suu Kyi đã xây dựng một chiến lược mới hòa giải với các dân tộc thiểu số nổi dậy ở Myanmar, trong đó Bắc Kinh có giữ vai trò.

Ngày 31-8 sẽ diễn ra hội nghị Panglong ở Myanmar. Toàn bộ các dân tộc thiểu số đều được mời đến, trong đó có một số dân tộc đang giao tranh với quân đội Myanmar.

Chuyên gia Tôn Vân ở Trung tâm Nghiên cứu Stimson tại Washington nhận xét hồi tháng 7, Bắc Kinh đã từng cử người sang Myanmar thuyết phục nhóm ly khai lớn nhất Quân đội Thống nhất bang Wa (khoảng 20.000 quân) cử đại diện tham dự hội nghị Panglong.

Bà Tôn Vân đánh giá: “Chuyến thăm Trung Quốc của bà Aung San Suu Kyi lần này là một cách để cảm ơn Trung Quốc”.

Đối với Trung Quốc, nước này muốn giúp đỡ Myanmar bởi không muốn cường quốc nào nhảy vào Myanmar.

Nhà nghiên cứu Renaud Egreteau ở Trung tâm Nghiên cứu Wilson tại Washington đánh giá: “Hội nghị Panglong là sự kiện quan trọng. Cộng đồng quốc tế sẽ tập trung vào đó. Trừ vấn đề biên giới, Bắc Kinh muốn hội nghị Panglong không mở cửa cho phương Tây và Nhật như thỏa thuận ngừng bắn quốc gia do chính phủ trước của Myanmar ký kết hồi tháng 10-2015 đã dự kiến”.

Một động cơ khác trong chuyến thăm Trung Quốc của bà Aung San Suu Kyi là đưa Bắc Kinh tiếp tục trở thành nhà đầu tư ưu tiên ở Myanmar với điều kiện phải đáp ứng yêu cầu của Myanmar, nhất là về môi trường. Vì lẽ đó, hồ sơ xây dựng đập Myitsone trên sông Irrawaddy sẽ được mở lại.

Dự án trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc bỏ vốn đầu tư đã ngừng trệ từ năm 2011 do ảnh hưởng môi trường. Trước chuyến đi Trung Quốc của bà Aung San Suu Kyi, chính phủ mới ở Myanmar đã thông báo lập một ủy ban xem xét lại hồ sơ xây đập Myitsone. Ủy ban sẽ công bố kết luận vào ngày 11-11.

______________________________________

25,4 tỉ USD là giá trị các hợp đồng đầu tư do Trung Quốc ký kết ở Myanmar tính đến cuối tháng 7, chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư nước ngoài ở Myanmar.

______________________________________

Sự thật là mọi hành động tiếp tục xây dựng đập Myitsone sẽ dẫn đến thất bại. Bà Suu Kyi không thể liều lĩnh chuốc lấy bất bình từ công luận.

Bài phân tích đăng trên trang THE IRRAWADDY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm