Tám xu hướng cần quan sát ở Đông Nam Á

Trò chơi quyền lực: Trong năm 2014, nghi vấn về tính bền vững trong chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và tương lai của Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tiếp tục kéo dài. Những lo lắng về định hướng tương lai trong chiến lược khu vực của Trung Quốc vẫn tồn tại.

Biển Đông: Triển vọng về một giải pháp dựa trên luật pháp vẫn rất lu mờ. Động thái điều động tàu sân bay Liêu Ninh ra biển Đông cùng với tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông của Trung Quốc cho thấy giọng điệu tranh cãi và đe dọa vẫn còn tiếp tục.

Kinh tế Đông Nam Á: Ngân hàng Phát triển châu Á đã hạ dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á xuống 5,2% do siêu bão ở Philippines và khủng hoảng chính trị ở Thái Lan. Triển vọng kinh tế năm 2014 phần nào xoay quanh các nền kinh tế lớn trong khu vực.

Hội nhập khu vực: Ngân hàng Phát triển châu Á đã cảnh báo những hạn chế trong mục tiêu tiến tới xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, ví dụ chỉ 55% số doanh nghiệp được hỏi biết đến tiến trình này hay cơ sở hạ tầng thiếu thốn.

Cải cách tại Myanmar: Lịch trình năm 2014 của Myanmar dày đặc công việc quan trọng như tổ chức điều tra dân số đầu tiên sau hai thập niên, chuẩn bị bầu cử, thể hiện vai trò chủ tịch ASEAN đầu tiên từ khi gia nhập năm 1997. Việc tổ chức hàng trăm cuộc họp trong năm nay không hề dễ dàng đối với Myanmar, chưa kể giải quyết các vấn đề rắc rối tại biển Đông.

Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan: Đang có nhiều lo lắng về khủng hoảng chính trị tại Thái Lan. Liệu bầu cử vào ngày 2-2 tới có diễn ra hay bị trì hoãn? Các nhà quan sát e ngại xảy ra đảo chính quân sự và bạo lực chính trị leo thang.

Căng thẳng tại Campuchia: Biểu tình lan rộng từ tháng 7-2013 khi đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen chiến thắng trong bầu cử. Gần đây nhất là vụ công nhân may mặc biểu tình. Vẫn chưa rõ căng thẳng sẽ bùng phát hay không?

Bầu cử tại Indonesia: Năm 2014, Indonesia sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội và tổng thống. Sau một thập niên dưới thời Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, kết quả thăm dò gần đây cho thấy Thống đốc Jakarta Joko Widodo là ứng viên sáng giá dù ông chưa tuyên bố tranh cử.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm