Ông Đoàn Nguyên Đức đã xin từ chức ở VFF từ sau thất bại của đội tuyển U-23 Việt Nam (VN) tại đấu trường SEA Games 2017 nhưng Ban Chấp hành VFF chưa chấp thuận mà phải chờ đến hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 3-2018.
Trước mùa đại hội mới (dự kiến giữa tháng 4-2018), bầu Đức không ngần ngại chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM những băn khoăn về nhân sự của VFF, đặc biệt là chiếc ghế do ông để lại.
. Phóng viên: Theo ông, ai hiện đủ điều kiện trở thành chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII và một chiếc ghế quan trọng khác phụ trách về chuyên môn?
+ Bầu Đức: Tôi đề cử anh Khế (Nguyễn Công Khế, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT VPF) sẽ làm chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới. Ai cũng biết anh Khế có đóng góp nhiều cho bóng đá VN. Tiếng nói của anh ấy cũng có trọng lượng. Còn chiếc ghế phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, tôi thấy không ai hơn Trần Quốc Tuấn cũng đang đảm trách tốt nhiệm vụ này ở VFF.
. Theo đề cử của các thành viên, ông Trần Quốc Tuấn có nhiều phiếu đề cử nhất (22 phiếu) so với các ứng viên khác. Thế nhưng cũng có nhiều ý kiến trái chiều với ông về việc ông Trần Quốc Tuấn còn ôm đồm quá nhiều việc?
+ Tôi khẳng định VFF không ai hơn anh Trần Quốc Tuấn về quản lý bóng đá. Tôi đã nói đi nói lại điều này trong cuộc họp Thường trực VFF lẫn Ban Chấp hành VFF. Nói thẳng ra, bóng đá VN không có anh Tuấn chết chắc luôn! Anh ấy trẻ, có chuyên môn. Vấn đề của tôi là anh Tuấn nếu làm chủ tịch VFF thì ai làm phó đây? Tuấn ngồi ghế chủ tịch có thể đúng nhưng không tốt cho bóng đá VN.
Điều quan trọng chúng ta cần là người điều hành, cầm trịch ở dưới để thao tác. Tôi tin anh Tuấn thừa sức, thừa uy tín trúng ghế chủ tịch nhưng nếu lên thì ai điều hành? Trong danh sách có Dương Vũ Lâm (Trưởng đại diện VFF văn phòng phía Nam) nhưng anh ấy hiện ở Sài Gòn, có chịu ra Hà Nội làm không? Làm chuyên môn nghiệp vụ khó lắm chứ không đơn giản đâu.
Bầu Đức thành công với thương vụ HLV Park Hang-seo cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: CCT
. Ông thường nói về sự hết mình vì bóng đá VN nhưng sao ông không tiếp tục gắn bó? Bởi ai cũng thấy mảng tài chính-tài trợ ở VFF luôn rất khó khăn...
+ Tôi chưa bao giờ ham hố quyền lực gì ở VFF cả. Tôi làm bóng đá vì cái tâm và thực sự nếu không còn ngồi vị trí này, tôi vẫn có cách khác hỗ trợ tốt cho bóng đá VN. Nói đúng ra tôi bận việc kinh doanh. Có điều tôi cảm thấy đáng buồn ở VFF là còn người tham quyền lực quá. Có nhiều người thừa sức làm tài chính nhưng tiếc là không ai giới thiệu thì không ai biết.
. Theo ông, nhân vật nào có thể đảm trách chức vụ phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính-tài trợ?
+ Tôi nói thật, cầm trên tay bản danh sách ứng viên cho chiếc ghế này tôi thấy thất vọng và khiên cưỡng quá. Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính có mình anh Tú (Trần Anh Tú) thì đại biểu còn bầu cho ai? Bầu anh Tú chớ ai nữa. Thử xem, anh Tú làm chủ tịch VPF, anh ấy làm tổng giám đốc VPF, anh ấy làm trưởng ba giải, làm chủ tịch LĐBĐ TP.HCM, làm Futsal…, giờ còn làm phó chủ tịch VFF nữa là quá nhiều. Tôi thấy không ổn.
Có thể tôi nói điều này làm mất lòng anh Tú vì nếu việc anh ấy một mình một ngựa xảy ra, tôi chống đối tới cùng, thậm chí không chơi bóng đá nữa. Chuyện vô lý quá mà người ta chấp nhận thì sao tôi còn thiết tha chơi nữa. Tôi sẽ đấu tranh vì bóng đá VN và điều này làm tôi thanh thản khi trong đầu không lướng vướng gì.
. Ứng viên Trần Anh Tú cũng do các tổ chức thành viên VFF giới thiệu?
+ Thì anh ta cũng có quyền xin rút chứ, khi thấy rõ những điều vô lý. Trách nhiệm của VFF là phải thay đổi và định hướng cho đúng đắn. Nhân sự chủ chốt ở VFF nhiệm kỳ mới phải bảo đảm sự lành mạnh và có tính đối kháng. Tôi không thể im lặng trước việc bầu chọn độc nhất vô nhị sắp xảy ra.
Anh Trần Anh Tú đâu có phải siêu nhân mà một lúc ngồi 7-8 cái ghế. Mà tôi dám chắc người bình thường không làm nổi. Anh ấy còn có công việc làm ăn, kinh doanh của mình nữa chứ. Giảm bớt kiêm nhiệm đi, đừng ôm vào quyền lực nhiều quá làm gì! Vì thật ra bóng đá cũng chẳng có quyền lực gì đâu. Chúng ta cứ để yên như thế rồi bầu xong thì hậu quả lường không hết.
Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho khóa tới nếu không làm đúng. Tôi thấy có nhiều người rất giỏi, có kinh nghiệm lại không có việc làm. Chẳng hạn Cao Văn Chóng (nguyên Tổng Giám đốc VPF), Lê Văn Thành (Giám đốc Công ty Động Lực) hay ông Lê Thành Trung (Phó Tổng Giám đốc HDBank) thừa sức ngồi ghế này. Cái chính là tôi cần sự công bằng và chính xác trong bình bầu, mỗi người làm một việc cho hiệu quả. Còn giới thiệu một, bầu một chắc chắn hư ngay.
Cuối cùng, tôi nói thẳng ra mọi sự bằng cái tâm, tôi không bênh ai, cũng không thích ai hết.
.Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn.
“Chỉ cần đẳng cấp, không cần bằng cấp”
Bầu Đức (ảnh) phản đối việc đòi hỏi bằng cấp trong ngôi nhà VFF, chủ yếu ở mảng truyền thông, đối ngoại. Ông phân tích: “Cho tôi hỏi bao nhiêu khóa vừa qua, các quan chức VFF có bằng cấp? Tôi xin lỗi, người giỏi không cần có bằng cấp, quan trọng là làm được việc. Mắc mớ gì làm bóng đá cần phải có bằng cấp? Cái này tôi cho là quá! Giả sử Bộ Nội vụ, Chính phủ hay luật của Quốc hội đặt ra thì chúng ta đồng ý ngay. Còn mình không nên đặt ra điều kiện đó. VFF không có quyền đặt ra nên tôi đề nghị dẹp ngay. Làm phó chủ tịch truyền thông chỉ cần đẳng cấp, không cần bằng cấp. Hoặc chỉ có thể là một nhóm người nào đó cài vào điều khoản này để loại người khác ra mà thôi. |