Ngày 12-4, nguyên Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng có cuộc gặp gỡ “ba mặt một lời” với người kế nhiệm Trần Anh Tú và Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức. Trong cuộc điện thoại của bầu Thắng, hai ông Đức và Tú đều nhận lời dùng bữa cơm thân mật để giải tỏa hết những hiểu nhầm (nếu có) và vì lợi ích chung của bóng đá Việt Nam.
Cuộc ngồi lại giữa các ông bầu nổi tiếng dễ làm người ta chợt nhớ đến lần hội ngộ của những ông bầu cách đây bảy năm. Hồi đó báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức hội thảo Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam với sự góp mặt của bầu Đức, bầu Thắng, bầu Kiên, bầu Tiến Anh, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng,… Nhóm những ông bầu đình đám lúc ấy tạo ra một cuộc đối thoại thẳng thắn đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam vì không ai ngại đụng chạm. Họ sẵn sàng chỉ ra nhiều vấn đề nhức nhối còn tồn tại trong VFF và những lực cản của sự phát triển.
Hy vọng các ông bầu ngồi lại sẽ tìm ra giải pháp tốt nhất để người hâm mộ không bị thiệt và cầu thủ yên tâm đá bóng. Ảnh: PV
Bầu Kiên hấp dẫn dư luận với nhiều ý kiến thẳng thừng ở buổi hội thảo, sau lần ông họp “chui” ở VFF và cướp diễn đàn chỉ đúng vào những căn bệnh thiếu thuốc chữa. Thậm chí bầu Kiên còn đưa ra ý tưởng khai sinh một giải đấu Super League để phản ứng sự quan liêu của VFF bên cạnh thói dung dưỡng cho tệ nạn của giới trọng tài, giám sát,…
Sau cuộc hội ngộ lịch sử đấy, những ông bầu đã thành lập Công ty VPF theo xu hướng tiến bộ chung của bóng đá thế giới. Lần đầu tiên làng bóng nghe bầu Đức, bầu Kiên nói rất thật rằng cả đời chưa làm phó cho ai nhưng lần này chấp nhận ngồi ghế phó chủ tịch VPF để giúp ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp cho tốt hơn.
Bầu Thắng kể trong hai nhiệm kỳ, ông đã mang về cho các CLB gần 80 tỉ đồng, một con số không nhiều nhưng từ trước khi có VPF, họ không có nguồn hỗ trợ như thế. VFF cũng được VPF chia cho hơn 61 tỉ đồng để làm công tác đào tạo trẻ. Đấy là chưa kể bầu Thắng và các cộng sự tạo ra cuộc cách mạng về tiền lương cho giới trọng tài, giám sát mà không phụ thuộc vào ban tổ chức các sân bóng - là một phần nguyên nhân dẫn đến tiêu cực.
Chỉ tiếc là trong sáu năm qua, lần lượt những ông bầu cho thấy sự mất lửa, trừ bầu Kiên dính vòng lao lý vì một vụ án kinh tế, còn bầu Tiến Anh bỏ hẳn, ông Lê Hùng Dũng bị bệnh và bầu Thắng vừa nghỉ VPF, bầu Đức thì sắp sửa hết nhiệm kỳ.
Điều đáng lo lắng hơn của các ông bầu tâm huyết với bóng đá Việt Nam là nguy cơ VPF sắp bị gộp chung với VFF khi những người nắm vận mệnh ở hai tổ chức này là một.
Sau tuyên bố bỏ bóng đá của bầu Đức, bầu Thắng cũng lên tiếng sẽ đoạn tuyệt khi những bất cập trong lòng VFF và VPF không thể tháo gỡ, trong lúc cấp trên từ Tổng cục TDTT hay Bộ VH-TT&DL vẫn chưa có ý kiến.
Bảy năm sau có một cuộc gặp gỡ khác giữa bầu Thắng, bầu Đức và bầu Tú, tuy không quy mô như trước nhưng ai cũng một lòng vì cái chung của bóng đá Việt Nam.
Hy vọng không ai bỏ bóng đá và tất cả đều mong họ tìm ra tiếng nói chung cho sự phát triển chứ không phải để thỏa mãn cái tôi của doanh nhân không ai chịu nhường nhịn ai.
Hồi hộp cuộc gặp giữa các ông bầu Bầu Thắng tiết lộ trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ này, ông đã ngồi lại với ông Trần Anh Tú để nói rõ hơn về những lấn cấn trong thời gian vừa qua. Bầu Tú vẫn một mực khẳng định những gì ông làm đều vì bóng đá Việt Nam và các chức danh đều có sự tín nhiệm cao. Bầu Thắng nói với bầu Tú việc ông ngồi đến 8-9 cái ghế khác nhau trong làng bóng dễ khiến người ta nghĩ ông tham quyền cố vị, chưa nói đến khả năng thao túng. Bầu Thắng khuyên bầu Tú chỉ nên ngồi ở VFF hoặc VPF để điều hành công việc cho ổn thỏa, ngược lại cả xã hội đều thấy bất ổn chứ không riêng gì ông hay bầu Đức. Cuộc gặp suốt 90 phút được bầu Thắng ví von như một trận đấu và kết quả là 0-0 vì bầu Tú không có ý định rút lui khỏi chiếc ghế nào cả. Trong khi đó, bầu Đức rất thẳng thắn nói rõ rằng ông sẵn sàng đối mặt với bầu Tú và dứt khoát không bỏ ý định phản đối việc một người ngồi nhiều ghế như ông đã chỉ ra trong các cuộc họp của VFF. TT |