Gãy...

Nếu TP.HCM và Hà Nội từng hãnh diện là những cái nôi bóng đá có hạng và chiếm số lượng tuyển thủ Việt Nam đông nhất thì giờ đây, có lúc đội tuyển không có quân của TP.HCM lẫn Hà Nội.

Hà Nội “héo” bóng đá

Sân Hàng Đẫy mỗi cuối tuần thật eo sèo và lạnh lẽo với lượng khán giả đến xem khiêm tốn nhất trên cả nước. Bóng đá Hà Nội lừng lẫy với cặp Công an Hà Nội (cũ) và Thể Công một thời giờ chỉ còn trong hoài niệm. Chỉ mới bảy năm lên chuyên nghiệp, lần lượt các đội bóng rơi rớt thê thảm và đến mùa này, bóng đá Hà Nội không còn làm ai nể nang cả.

Hà Nội ACB và đàn em Hòa Phát Hà Nội chơi V-League thay nhau nằm ở nhóm đèn đỏ. Người hâm mộ từ lâu đã không còn tìm thấy cái nét thanh lịch của các cầu thủ Hà Nội biết chơi bóng bằng cái đầu chứ không phải đá bóng bằng những con tính trên bàn để trụ hạng.

Sự tuột xích của bóng đá thủ đô là hệ quả tất yếu do lủng củng nội bộ và yếu kém về cung cách quản lý.

Nhìn Hòa Phát và Hà Nội ACB đá, người hâm mộ không còn thấy sự hy sinh cho màu cờ sắc áo và không xác định nổi cầu thủ đá cho ai, đá vì cái gì.

Cả hai đều thuộc diện đại gia với núi tiền đầu tư nhưng lại rất nghèo tính đoàn kết vì cái chung.

Hòa Phát đầu mùa cao giọng chơi ra trò trên ba mặt trận thì đến cuối mùa sắp mất cả chì lẫn chài. Họ sẵn sàng buông súng ở AFC Cup và trở thành cựu vô địch Cúp quốc gia, rồi cuối mùa V-League phải chơi chung kết ngược. Đồng hương ACB với chiến dịch Sông Lam hóa đã không còn là chính mình với từng nhóm cầu thủ ra sân nhìn đi mỗi hướng để giờ chót trụ hạng qua khe cửa hẹp và phải đấu với đồng hương Hòa Phát Hà Nội.

Sài Gòn cuối mùa chỉ mong... trụ để ăn mừng

Đã từ lâu, bóng đá TP.HCM không còn là miền đất hứa của những cầu thủ tài năng. Hậu cú sốc rớt hạng của Cảng Sài Gòn mùa 2003 và hai năm sau xóa sổ Đông Á Pomina, cầu thủ trẻ lẫn già cứ dứt áo ra đi.

Mới đây, khi Thép-Cảng mừng rỡ ca điệp khúc trụ hạng thì Đá Mỹ Nghệ lọt thỏm xuống hạng nhì. Năm ngoái cũng hình ảnh ấy và Thành Long là đội xuống hạng...

Bóng đá Sài Gòn từng tự hào nay chỉ mong trụ hạng và mỗi mùa lại mỗi đau đớn với một đội hạng nhất rơi tự do?

Cuộc se duyên giữa phần hồn Thép và xác Cảng vẫn chưa thể tìm lại được ánh hào quang xưa. Với một tập thể ô hợp được nhặt nhạnh và tận dụng lại. Thậm chí có lời đồn rất ác rằng cầu thủ nào thất nghiệp thì cứ xách giày đến chơi cho Thép-Cảng. Chưa kể giữa hai mảnh ghép ấy là những cuộc xung đột trầm trọng và rất khó để hàn gắn. Ở đấy còn là một cái lò sát tướng thô bạo. Sau cuộc chia tay của tượng đài Tam Lang khi đội rớt hạng và thêm tên, đến lượt Đặng Trần Chỉnh mất bóng, rồi đàn em Võ Hoàng Bửu chịu không nổi phải rời cuộc chơi.

Nghiệt nỗi những chiến binh dày dạn ấy chia tay sân cỏ đều ngã bệnh vì lao tâm khổ tứ chứ không phải vì thiếu kiến thức chuyên môn.

Hà Nội gãy, TP.HCM trong khi người hâm mộ ở hai địa phương đông đảo nhất cứ xa rời bóng đá.

Rồi lại hội thảo là phương hướng cứu chữa nhưng đã bao phương án rồi, hai cái nôi ấy vẫn cạn nguồn.

Nghịch lý!

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm