Ông Park, VFF và chức vô địch AFF Cup

HLV Park Hang-seo đã trở thành thần tượng của một bộ phận không nhỏ người yêu bóng đá Việt Nam và như một vị cứu tinh của VFF trong buổi hoàng hôn nhiệm kỳ VII.

Từ thành công của các lứa trẻ tại một giải đấu, bỗng dưng người ta xem ông Park đóng vai trò cực kỳ lớn trong việc dẫn dắt đội tuyển quốc gia phải đoạt ngôi vô địch AFF Cup. Nó như một mệnh lệnh cho đội tuyển Việt Nam sau đúng 10 năm không thể mon men đến trận chung kết từ hồi HLV Calisto đoạt cúp năm 2008.

Chính vì niềm mong mỏi và kỳ vọng của số đông, ông thầy người Hàn Quốc thú thật sức ép cho mình lẫn các học trò ở đấu trường Đông Nam Á là rất lớn. Thậm chí ngay cả người trong cuộc cũng chia ra làm hai luồng suy nghĩ sẽ tiếp tục gia hạn hợp đồng hoặc tăng lương cho HLV Park Hang-seo trước hay sau AFF Cup.

Thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ bước vào ca khó ở AFF Cup 2018 nên tất cả đều phải bắt đầu từ bây giờ. Ảnh: QUANG THẮNG

Cái lý đầu tiên trong việc kéo dài hơn thời hạn hợp đồng với HLV Park là nhằm tạo điều kiện cho ông chăm chút kỹ lưỡng hơn lứa U-22 sẽ chơi SEA Games vào năm sau. Điều này cũng giúp ông quán xuyến tốt hơn nhóm cầu thủ nòng cốt tìm suất đá Olympic Tokyo 2020 nếu lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất vòng chung kết U-23 châu Á 2019.

Ý kiến khác của ông bầu Đoàn Nguyên Đức với tư cách phó chủ tịch VFF đồng thời là người tìm kiếm và mời mọc HLV Park Hang-seo cho biết không nên sớm gia hạn hợp đồng. Bầu Đức thừa nhận ông Park giỏi nhưng rất rõ ràng về việc cần thiết phải tiếp tục thử thách qua giải AFF Cup 2018. Ông bầu phố núi lý giải chiến tích ở các giải châu Á chỉ đơn thuần dành cho lứa trẻ, trong khi tiêu chuẩn đo lường chuẩn xác nhất cho một nền bóng đá là đẳng cấp của đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, giới chuyên môn lại có góc nhìn khác về nội lực của làng bóng đang có dấu hiệu thỏa mãn và lâng lâng với thành công của hai giải trẻ mà quên mất mình đang ở đâu, có gì và cần gì. Không thể chỉ có mỗi HLV Park Hang-seo sẽ làm thay đổi cả một nền bóng đá quốc gia chỉ với việc huấn luyện các đội tuyển tham gia những giải đấu. Ông Park Hang-seo nói thẳng về cốt lõi của sự phát triển là làm sao xây dựng một hệ thống đào tạo trẻ đồng bộ và rộng khắp chứ không phải chỉ nhờ vào một số “lò” bóng đá tư nhân tâm huyết kiểu HA Gia Lai hay Viettel, Hà Nội...

Cũng cần biết sức sống và sự tồn tại của ánh hào quang bóng đá Việt Nam sau một giải đấu chỉ mang tính thời điểm. Như ông Calisto từng giúp đội tuyển quốc gia đăng quang AFF Cup 2008 đã được tán tụng lên mây nhưng chỉ vài năm sau là ông đủ thấm thía với sự bạc bẽo của thất bại.

Ngay cả HLV Park Hang-seo đã quá rành rẽ với sự mong manh giữa người hùng và tội đồ khi ông góp công trợ lý giúp tuyển Hàn Quốc đứng hạng tư thế giới rồi sau đó lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau chia tay vì không thể đưa đội Olympic vô địch Asiad 2002.

Thầy Park có thể cứu vãn cho chiến lược của VFF một chức vô địch AFF Cup nhưng không phải là phù thủy và không có chức năng làm thay đổi bộ mặt của cả một nền bóng đá.

Lo ngại đội tuyển Việt Nam bị bắt bài ở AFF Cup 2018

Cựu HLV trưởng các đội tuyển quốc gia Phan Thanh Hùng thừa nhận ông Park Hang-seo rất tài tình trong việc sử dụng nhân sự trong hai giải U-23 châu Á và Asiad 18, đặc biệt ở cách thay người. Ông Hùng phân tích thầy Park thường sử dụng bài tủ phòng ngự phản công và truyền cho học trò sự tự tin cố gắng cầm cự các đối thủ lớn trong hiệp 1 rồi bung sức ra chơi, chủ yếu từ nửa cuối hiệp 2. Đấy cũng là lúc ông Park tung ra những lá bài tấn công còn sung sức để khai thác vào yếu huyệt của đối thủ. Tuy nhiên, con người và những mảng miếng chiến thuật của ông Park sẽ không còn bất ngờ với các đối thủ sắp tới ở AFF Cup. Đội tuyển Việt Nam khó chơi hơn và buộc phải thích nghi nhuần nhuyễn hơn nữa, như ông Park có khi thú nhận ông đã từng trở lại sơ đồ 3-4-3 bởi học trò ông không quen chơi 5-3-2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm