Giá thuê sẽ tăng gấp bốn lần?

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết giá thuê nhà 61 hiện đang áp dụng là giá được xây dựng cách đây 15 năm, đã quá lạc hậu. Giá thuê hiện quá thấp so với thị trường và không đủ trang trải cho các chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành tòa nhà. Theo Nghị quyết 48, từ 1-1-2008, giá thuê nhà 61 sẽ được điều chỉnh lại sát với thực tế.

Thuê lợi hơn hóa giá nhà

Một cán bộ của Bộ Xây dựng cho biết Quyết định 118 ngày 27-11-1992 quy định giá thuê nhà cấp ba bình quân 1.350 đồng/m2/tháng. Đây là mức giá chuẩn để căn cứ vào đó xác định giá thuê đối với các loại nhà 61 khác (biệt thự, cấp một, hai, bốn). Như vậy, một cán bộ, công chức thuê một căn hộ (nhà cấp ba) diện tích 50 m2 chỉ phải trả 67.500 đồng/tháng. Trong khi đó, sinh viên thuê một phòng trọ 9 m2 của tư nhân tại Hà Nội đã phải trả khoảng 400-500 ngàn đồng/tháng. So ra cán bộ, công chức thuê nhà 61 rẻ hơn sinh viên thuê nhà trọ đến 32 lần, một sự chênh lệch quá lớn.

Chuyên gia của Bộ Xây dựng lý giải giá thuê nhà 61 trong Quyết định 118 thể hiện quan điểm xóa bao cấp về nhà ở, đưa tiền nhà vào tiền lương ở thời điểm năm 1992. Nhưng thực tế, giá thuê đó chưa tính đến các yếu tố về đầu tư xây dựng, bảo trì, quản lý, vận hành nhà ở. Với giá thuê nhà 61 hiện nay, tiền lãi tiết kiệm của số tiền mua nhà 61 nhiều hơn số tiền thuê nhiều nên không khuyến khích cán bộ hóa giá nhà. Việc tăng giá thuê nhà 61 không chỉ để bù chi phí quản lý, vận hành nhà 61 mà còn thúc đẩy tiến độ hóa giá nhà từ nay đến cuối năm.

Tăng giá thuê theo lương tối thiểu?

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết biểu giá thuê nhà 61 sẽ được Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt sớm nhất vào cuối tháng này. Việc điều chỉnh sẽ căn cứ vào thu nhập của đại bộ phận cán bộ, công chức. Mức giá thuê phải phù hợp với thực tế, đồng thời không làm ảnh hưởng đến đời sống của người đang thuê nhà.

Về nguyên tắc, mức tăng giá thuê nhà tối thiểu phải tăng theo mức trượt giá của tiền lương. Năm 1992, tiền lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng, hiện đã tăng lên 450.000 đồng/tháng. Như vậy, nếu chỉ tính đơn giản thì tiền lương hiện nay đã tăng gấp 3,75 lần tiền lương năm 1992. Tuy nhiên, tiền lương tăng thì giá cả nhiều hàng hóa, dịch vụ... cũng tăng theo. Do đó, khi tăng giá thuê nhà cần căn cứ vào mức tăng của tiền lương tối thiểu nhưng không thể theo giá thị trường mà vẫn cần sự hỗ trợ của nhà nước để tránh gây đột biến cho xã hội.

Nhà mặt tiền, biệt thự sẽ bán sát giá thị trường

Theo một chuyên gia của Bộ Xây dựng, việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61 đặt mục tiêu chính là tạo điều kiện cho người đang thuê (phần lớn là cán bộ, công chức, diện chính sách) có thể tạo lập nhà ở. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số điều bất hợp lý, đặc biệt là việc hóa giá một số nhà có khả năng sinh lời cao, nhà mặt đường, biệt thự. Số tiền chênh lệch giữa giá bán của nhà nước và giá thị trường quá lớn, có khi lên đến hàng chục tỷ đồng. Điều này làm mất đi ý nghĩa tạo điều kiện, hỗ trợ về nhà ở khi bán nhà theo Nghị định 61, gây bức xúc trong dư luận.

Do đó phải quy định lại giá bán nhà 61, kịp thời điều chỉnh những bất cập trong việc hóa giá nhà, đặc biệt là đối với những nhà có khả năng sinh lợi cao. Nghị quyết 48 đã quy định đối với loại nhà ở riêng lẻ có khả năng sinh lợi cao tại vị trí mặt đường, mặt phố sẽ không bán theo Nghị định 61. UBND cấp tỉnh xây dựng phương thức, giá bán tại thời điểm bán. Quy định như vậy sẽ làm cho giá bán những nhà có giá trị sinh lời cao, mặt đường, biệt thự sát với giá thị trường hơn.

TRẦN THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm