Lãng du trong văn hóa Việt Nam

Tất cả được gạn lọc qua cảm thụ của một tâm hồn tinh tế - nhà văn, nhà văn hóa Hữu Ngọc sau hơn 50 năm cầm bút.

Trong tác phẩm, văn hóa Việt Nam được ông phác họa một cách sắc nét qua từng dòng ký sự. Với lối viết ngắn gọn, súc tích, nhà văn Hữu Ngọc lôi cuốn bạn đọc bằng hiểu biết và xúc cảm. Tất cả những năng lực ấy ông bộc lộ qua hai phương tiện: viết và nói bằng một tư duy rất hiện đại. Với một lối văn mộc không son phấn, văn hoa, cốt lõi ở văn ông là nội dung. Sự mộc mạc, hồn nhiên ở từ ngữ, cách thể hiện dung dị và ngộ nghĩnh gây nên những bất ngờ thú vị là tố chất dễ thấy trong cuốn Lãng du văn hóa Việt Nam.

Nhà văn, nhà văn hóa Hữu Ngọc phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách sáng qua (20-11).
Nhà văn, nhà văn hóa Hữu Ngọc phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách sáng qua (20-11).

Từng bước, ông dẫn dắt người đọc đi dọc theo chiều dài của đất nước: “lãng du” vào Lam Kinh, dạo bước trên “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” của triều Lê. Rồi quay ra làng Nhị Khê, thăm làng quê Nguyễn Trãi. Xuống La Xuyên xem đồ gỗ chạm khắc tinh vi. Đến Vạn Phúc hỏi về nghề dệt lụa Hà Đông. Sang vùng Kinh Bắc nghe hát quan họ. Về xứ Đoài viếng mộ Tản Đà. Trở lại chiến khu xưa Định Hóa, bồi hồi nhớ bao kỷ niệm. Lên vùng Tây Bắc xa xôi như Lào Cai để thưởng thức bài hát đưa ma của người H’Mông Sapa; làm quen với phong tục, tập quán của người vùng cao, nếm trải hương vị của núi rừng Tây Bắc. Về tận Cao Bằng thăm xứ sở người Tày, tìm hiểu hội xuống đồng của họ. Qua Lạng Sơn ăn món khau nhục, nghe điệu hát sli của người Nùng. Ngược Sơn La tìm hiểu tục ngữ Thái. Đến Mường Tè trò chuyện với người La Hú... Lang thang vào Ninh Thuận xem đồ gốm Chăm thô ráp, nghe câu đố Chăm ý nhị... Về Văn Miếu để hiểu được truyền thống hiếu học của người xưa; vãn cảnh chùa chiền Phật giáo, đạo quán Lão giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo... để hiểu thêm những nét văn hóa tôn giáo của làng xã Việt...

Cũng có lúc ông đưa người đọc tản mạn vào những làng Việt truyền thống, bắt đầu từ làng truyền thống Đường Lâm - một ngôi làng văn hóa còn lại khá hoàn hảo, ít bị “ô nhiễm” văn hóa nhất (ông cho rằng là cái nôi của nền văn hóa Việt hàng mấy ngàn năm nay). Từ đây, những làng truyền thống điển hình đã nhân lên và “Nam tiến” cho đến mũi Cà Mau. Đan xen vào đó là những nét văn hóa làm nhà của người nông thôn, cảnh sinh hoạt dung dị của làng quê như chợ lẻ, chợ phiên, chợ tự phát và các cửa hàng, hàng xén đến những vật dụng truyền thống quen thuộc của người thuần Việt; chút tản mạn về cây đa Việt 3.000 năm đến những sơ lược đôi điều về khoai sọ, chuyện tán gẫu về ớt và ghen rất gần gũi, đời thường... Dưới góc nhìn của ông, con người nông thôn nghĩa tình đến thế, họ sống thật bình dị mà những ai gần gũi họ mới thấy hết được chất chân quê... Đến với từng bài viết của Hữu Ngọc ta mới thấy hết được những sự dung dị hài hòa ấy.

Không chỉ vậy, lịch sử truyền thống của người Việt cũng được ông thu nhỏ qua từng bài viết theo từng nét văn hóa thăng trầm của lịch sử. Ông “hình dung” về một địa danh, “nghe” tiếng gà gáy từ 700 năm trước, tiếng nói của bia cổ, quốc văn giáo khoa thư; đến những nhận định về Hồ Chí Minh, “hiện tượng” Đặng Thùy Trâm, ý thức bảo tồn văn hóa, những cái nhìn của một sử gia Pháp về văn hóa Việt... Từ đời sống cộng đồng, ông đưa chúng ta về với gia đình (Nếu thiếu đàn bà, Đầu năm sinh con trai...), những quan hệ vợ chồng, quan hệ hôn nhân, con cái, họ hàng, anh em trong dòng tộc đến những mối quan hệ thầy trò, bạn bè... Ông còn dẫn người đọc đến với những tín ngưỡng tôn giáo như thờ cúng tổ tiên, chữ hiếu, chữ nghĩa đến những tục đốt vàng mã..., rồi mở rộng ra toàn cầu hóa và tâm linh... Bên cạnh đó, những nét văn hóa, bản sắc dân tộc, văn học nghệ thuật cũng được ông đề cập một cách sâu rộng trong cuốn sách này.

Mặc dầu đã vượt qua ngưỡng “cổ lai hy” (ông tròn 90 tuổi) nhưng ông vẫn đi, vẫn viết đều đặn, vẫn dẻo dai... Cuốn sách là sự chắt lọc, cô đọng suốt quãng đời ngót một thế kỷ của ông! Một quyển sách thật quý, quý đối với mọi người, với những ai yêu mến và quan tâm đến văn hóa Việt. Tác phẩm Lãng du văn hóa Việt Nam của nhà văn hóa Hữu Ngọc - một cuốn sách thấm đẫm hương vị Việt, mang hồn Việt đi hòa nhập với bạn bè thế giới. Cuốn sách đoạt giải vàng sách Việt Nam 2006, 1.048 trang, giá bán: 125.000 đồng, Fahasa phát hành trên toàn quốc.

Món quà tặng quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam

Với tri thức sâu rộng, sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng, hơn 50 năm cầm bút, ông được nhà nước tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập; chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương “Ngôi sao phương Bắc”; chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ hàn lâm và “Lời vàng” cùng nhiều danh hiệu cao quý khác...

Để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hơn chục năm trời mục “Mạn đàm truyền thống” cho Le Courrier Vietnam (tiếng Pháp) và Vietnam News (tiếng Anh). Cuốn sách đã được dùng làm món quà quý trao tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 7 tại Hà Nội năm 1997.

PHI LÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm