Những bệnh nam khoa thường gặp hiện nay

Những bệnh có tỷ lệ điều trị thành công cao

Chỉ khoảng 1/4 trường hợp bệnh nam khoa là có liên quan đến rối loạn tình dục, vấn đề chính vẫn là rối loạn sinh sản và các bất thường của bộ sinh dục nam. Việc điều trị hiếm muộn nam chỉ trở nên có hiệu quả cao từ khi có các biện pháp điều trị vi phẫu thuật và các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (từ 40 năm nay).

Tỷ lệ thành công của vi phẫu thuật trị giãn tĩnh mạch tinh gây hiếm muộn là 55%-70%, nối ống dẫn tinh sau triệt sản là xấp xỉ 90%, nối ống dẫn tinh - mào tinh vào khoảng 60%-90% và thụ tinh trong ống nghiệm là 15%-33%.

Rối loạn cương đã có thể điều trị hiệu quả được triệu chứng (giúp cương được khi cần) từ 20 năm nay khi có các loại thuốc chích như Papaverine, Alprostadil (khoảng 90% nhưng bất tiện và gây đau dương vật) và thuốc uống như: Sildenafil, Vardenafil, Tadalafil (khoảng 50%-80% tùy thể bệnh nặng, vừa hay nhẹ) nhưng điều trị dứt hẳn bệnh vẫn còn nhiều phức tạp (tỷ lệ thành công dưới 30%).

Phẫu thuật trị các dị tật của bộ sinh dục nam như tinh hoàn ẩn, dương vật cong vẹo, lỗ tiểu thấp... hay phẫu thuật nối dương vật đứt rời, tạo hình dương vật mới... có tỷ lệ thành công cao với các dụng cụ phẫu thuật ngày càng hiện đại hơn.

Những bệnh khó chữa

Xuất tinh sớm vẫn chưa có thuốc “đặc trị” như bên rối loạn cương. Các thuốc giảm hưng phấn vẫn còn được xem là dạng “off-label” (được nhiều bác sĩ sử dụng nhưng chưa được các công ty dược sản xuất ra chúng và các cơ quan quản lý dược phẩm chính thức công nhận). Các dạng rối loạn xuất tinh khác như giao hợp không xuất tinh và xuất tinh ngược dòng vẫn còn nằm “ngoài vùng phủ sóng” của y học, rất khó chữa trị hay chưa chữa trị được.

Mãn kinh nam hay còn gọi là suy tuyến sinh dục khởi phát muộn ở nam giới vẫn còn nhiều bàn cãi, cân nhắc giữa việc bệnh này có thật sự có ở nam giới hay không (dù ngày càng có nhiều bác sĩ nói có), chữa trị như thế nào, bổ sung testosterone có thật sự có lợi không hay còn hại thêm...

Các dấu hiệu cần đến bệnh viện

Nếu vợ chồng ăn ở với nhau một năm liền không kế hoạch mà không có con thì nên cùng nhau đi khám hiếm muộn. Chồng tới nam khoa, vợ tới phụ khoa. Nếu vài tháng trở lại mà chức năng cương càng lúc càng trục trặc thì cũng nên đến khám nam khoa.

Đừng ngần ngại đi khám nam khoa nếu thấy bộ sinh dục có cái gì đó không bình thường nhưng cũng đừng quá lo lắng về kích thước, cũng như chức năng của nó vì trong đa số trường hợp kích thước và chức năng của bộ sinh dục của “người bệnh” hoàn toàn bình thường, không có bệnh.

NSĐT (Theo BSGĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm