Những công nghệ và lò đốt chất thải hiện nay

Lò đốt rác thải y tế CAMAT

Thời gian qua, Bộ Y tế đã nhập một số lò đốt rác thải trang bị cho các bệnh viện lớn nhưng giá thành các lò đốt này rất cao, nhiều lò lại không thích hợp với điều kiện Việt Nam. Vì vậy, thành công của lò đốt rác thải y tế CAMAT của Viện Khoa học vật liệu không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng mà còn tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng.

Lò đốt CAMAT có tính năng hiện đại dựa trên công nghệ vật liệu đất hiếm, đạt tiêu chuẩn Việt Nam, giá thành lại thấp hơn nhiều so với lò đốt rác thải y tế nhập khẩu, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Hệ thống lò đốt gồm hai cấp: buồng sơ cấp đạt 800 độ C, buồng thứ cấp đạt 1.100 độ C. Lò có kích thước 2.100 x 1.170 x 1.850 (mm), tường lò được bảo ôn, nhiệt độ thoát ở ống khói đạt 160 độ C (thấp hơn nhiệt độ cho phép là 200 độ C), có hệ thống điều khiển chế độ nhiệt. Phần lọc bụi bằng cyclone cũng được bảo ôn.

Hệ thống xử lý khí thải được chế tạo theo công nghệ solgel từ nguồn nguyên liệu trong nước, có chức năng oxy hóa và khử các loại khí độc hại họ NDx, CO, các chất hữu cơ chưa cháy hết. Lò đã được thử nghiệm và được Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng kiểm định, đánh giá đạt các tiêu chuẩn khí thải Việt Nam.

Lò đốt rác thải y tế VH-118

Ngoài ra, Phòng Kỹ thuật (Viện Hóa học) vừa nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công lò đốt rác thải y tế VH-l18. Thực tế lắp đặt và vận hành tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên cho thấy lò đốt hoạt động tốt, các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt yêu cầu, đốt cháy hoàn toàn rác thải hữu cơ, không gây ô nhiễm môi trường. Lò VH-l18 có trọng lượng khoảng 4,7 tấn, giá thành 20.000 USD/lò.

Trạm ép rác kín công suất 30 tấn/ngày

Trạm ép rác kín đặt tại 350B Trần Bình Trọng, quận 10, TP.HCM với kinh phí đầu tư hơn năm tỷ đồng. Với cách xử lý rác mới này sẽ hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vẻ mỹ quan, ách tắc giao thông trên đường phố.

Sau khi thu gom từ các hộ dân, chợ, đường phố... trên địa bàn, rác được đưa về trạm để ép (bằng máy thủy lực) vào bốn container có khả năng tiếp nhận hơn 30 tấn rác/ngày, thay cho quy trình trước đây là rác được tập kết tại một số điểm hẹn trên đường phố chờ xe ép rác đến lấy đi.

Xử lý rác thải bằng giun

Tiến sĩ Huỳnh Thị Kim Hối (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) đã nghiên cứu kinh nghiệm dân gian, kết hợp với các kiến thức khoa học hiện đại để cho ra đời một quy trình xử lý rác thải nhờ giun đất Philippines. Loài giun này có tên khoa học là Perionyx excavalus, có thể tiêu hóa chất thải rất tốt. Loài giun này được nhập từ Philippines, có ưu điểm là dễ nhân nuôi, sinh sản nhanh, thích nghi tốt với khí hậu nước ta.

Theo tính toán, để phân hủy một tấn rác hữu cơ trong một năm, người ta cần khoảng 1.000 con giun giống và các thế hệ con cháu của chúng. Hiện tại, đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng cho việc xử lý rác thải ở các thành phố lớn.

Trên thực tế, việc nuôi giun đất để xử lý ô nhiễm môi trường đã được nhân dân ta áp dụng từ lâu. Kinh nghiệm này đã được phổ biến rộng rãi nhất ở Hà Đông. Nhân dân ở đây thường làm chuồng gà phía trên và nuôi giun đất phía dưới, vì phân do gà thải ra là nguồn thức ăn tốt cho giun đất. Mặt khác, nhờ giun đùn đất, tiêu hóa và thải ra chất hữu cơ, sau một thời gian đất ở phía dưới chuồng gà sẽ tơi xốp, rất tốt cho cây trồng.

Xử lý rác thải bằng công nghệ Seraphin

Năm ngoái, một nhà máy xử lý rác thải với công nghệ mới độc đáo có tên là Seraphin, do Công ty CP Phát triển công nghệ môi trường xanh đầu tư đã được đưa vào hoạt động ở Phú Bài (Thừa Thiên-Huế). Rác thải qua nhà máy sẽ được tái chế thành phân vi sinh và các vật liệu mới phục vụ công nghiệp.

Quy trình của công nghệ Seraphin như sau: nguồn rác thải hỗn hợp (đã khử mùi) sẽ được chuyển đến một máy để phá hủy các loại bao bì. Sau đó đi qua hệ thống kiểm từ để hút sắt thép và các kim loại khác, cuối cùng lọt xuống sàn lồng. Tại đây, rác thải hữu cơ được chuyển sang hệ thống chế tạo phân vi sinh; rác thải vô cơ được đóng cứng vĩnh cửu, khuấy trộn, tạo thành sản phẩm Seraphin.

Theo ông Nguyễn Gia Long, Phó Chủ tịch HĐQT công ty, nhà máy có công suất 200-300 tấn/ngày. Trung bình một tấn rác sẽ cho ra đời khoảng 250-300 kg phân vi sinh và 300-350 kg sản phẩm Seraphin. Seraphin được chế tạo thành cột đèn, ống nước..., tất cả có chất lượng đạt mác 200-300. Trong khi đó, những sản phẩm tương tự bằng bê-tông cũng chỉ đạt mác 200.

Công nghệ Seraphin còn giải quyết được nạn ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Gần đây, một tập đoàn của Hà Lan đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với công ty này với tổng giá trị 50 triệu USD nhằm xây dựng hàng loạt nhà máy xử lý rác theo công nghệ này trên thế giới, do Hà Lan tài trợ...

NG.MẪN (Tổng hợp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm