Sử dụng máy xông khí mũi họng ra sao?

Không tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh

Xông họng hay còn gọi là khí dung có tác dụng chữa trị hoặc hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ở đường hô hấp cấp hoặc mạn tính rất hiệu quả như viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm xoang cấp và mạn tính...; hoặc dùng để phối hợp trong điều trị bệnh lý nội khoa khác như làm tan đàm trong bệnh phổi.

Khi xông hơi, thuốc sẽ tác dụng trực tiếp lên chỗ viêm nhiễm ở đường hô hấp. Trong khi đó, nếu uống thì thuốc sẽ phải qua dạ dày, đường máu rồi mới đến các tế bào nên hiệu quả sẽ chậm hơn. Thông thường, bệnh đường hô hấp có ba dạng chính là viêm mũi họng xuất tiết dịch (thường gặp ở trẻ em), viêm mũi mạn tính (phổ biến ở người lớn và trẻ em) và viêm mũi vận mạch. Đối với bệnh viêm mũi xuất tiết dịch, chỉ cần xông hoặc nhỏ nước muối sinh lý là có thể khỏi. Còn các bệnh khác, tùy theo cấp độ mà sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Việc tùy tiện dùng kháng sinh, kháng viêm sẽ rất có hại. Chẳng hạn, thuốc argyrol có thể gây tổn thương niêm mạc; thuốc ephedrin, naphtazoline sử dụng nhiều sẽ gây co mạch đột ngột hoặc thiếu máu não ở trẻ em dẫn đến co giật. Thuốc này còn gây xơ cứng cuống mũi, làm nghẹt mũi nặng hơn, gây khó thở có thể phải cắt bỏ một phần cuống mũi dưới.

Một trong những thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất để xông mũi họng là gentamycine. Đây là loại thuốc giá rẻ, khoảng 1.000 đồng/ống nhưng lại khá hiệu quả trong việc điều trị viêm đường hô hấp nên được nhiều bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, gentamycine là loại thuốc có nguy cơ gây ngộ độc cả ốc tai và tiền đình. Theo thống kê, khoảng 2% bệnh nhân dùng thuốc gentamycine bị ngộ độc dẫn đến điếc tai. Không những thế, việc sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh lâu ngày còn dẫn đến tình trạng phù nề họng, niêm mạc họng bị mỏng, dễ nhiễm trùng, sức đề kháng kém.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy xông mũi họng. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn những máy có độ tin cậy cao và có kích thước hạt thuốc khoảng 4 micron để có hiệu quả cao trong việc điều trị.

Sử dụng máy xông khí dung đúng cách

Xông khí dung là phương pháp điều trị bằng cách đưa thuốc trực tiếp vào niêm mạc đường hô hấp. Máy sẽ chuyển thuốc thành dạng sương, giúp thuốc đọng lại trên niêm mạc đường hô hấp, thấm sâu vào phế quản cho hiệu quả nhanh và giảm tối đa phản ứng phụ do thuốc uống gây nên. Trước khi dùng máy xông mũi, bệnh nhân nên đi khám để được hướng dẫn cụ thể về việc dùng loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu.

Đặc biệt đối với trẻ, đôi khi bé chỉ bị viêm mũi xuất tiết dịch, thông thường chỉ cần xông hoặc nhỏ nước muối sinh lý là có thể khỏi nhưng nhiều bậc cha mẹ lại cho con xông kháng sinh không có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa dẫn tới nguy cơ dễ mắc các bệnh hô hấp nhiều hơn. Người không bị bệnh về đường hô hấp có thể dùng máy này để xông nước muối sinh lý, sử dụng hàng ngày có tác dụng phòng bệnh rất hiệu quả.

Phải tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian xông thuốc và loại thuốc dùng để xông, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thông thường, mỗi lần xông không nên lâu hơn 15 phút. Khi xông thuốc cần chọn cho mình tư thế ngồi thẳng và thoải mái. Nếu phải điều trị tại giường, hãy kê gối để tạo thành tư thế ngồi thẳng.

Nên vệ sinh máy xông thường xuyên, nhất là bộ phận lọc không khí, đường ống dẫn khí để hạn chế bụi, vi khuẩn và nấm mốc theo đường xông vào cơ thể gây bệnh.

Bên cạnh việc dùng máy xông khí dung phòng bệnh, những người có tiền sử bị các bệnh về đường hô hấp cần giữ ấm cơ thể và mũi họng, không nên nằm máy lạnh hay uống nước đá; thường xuyên và đều đặn vệ sinh răng miệng và xúc họng bằng nước muối sinh lý 0,9%; đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh khói bụi, nắng, môi trường ô nhiễm...

NG.MẪN (Theo Omron Healthcare)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm