Theo tính toán, khoảng 106.000 người dân hứng chịu tác động trực tiếp buộc phải di cư và có thể rơi vào cảnh đói nghèo” - bà Ame Trandem, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi quốc tế, bày tỏ lo ngại tại buổi tọa đàm “Từ Hủa Hỉn (Thái Lan) đến TP.HCM và tương lai của dòng sông Mê Kông” tổ chức ngày 4-4 tại TP.HCM.
Thông tin trên cũng đã được Liên minh Cứu sông Mê Kông (đơn vị tổ chức hội thảo) gửi đến Thủ tướng bốn nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam nhân Hội nghị cấp cao lần thứ hai của Ủy hội sông Mê Kông tổ chức tại TP.HCM từ ngày 2 đến 5-4.
Theo bà Ame, sông Mê Kông hiện không còn bình yên như cách đây bốn năm, khi Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông họp lần đầu tiên tại Hủa Hỉn (Thái Lan). Lý do là đập thủy điện Xayaburi (Lào) đã được xây trên dòng chính Mê Kông. “Chúng ta cũng không có nhiều thông tin về các dự án thủy điện của Trung Quốc ở khu vực thượng nguồn Mê Kông. Vậy ai sẽ giám sát các đập này vận hành như thế nào để đảm bảo về mặt môi trường cho khu vực hạ lưu? Đã đến lúc Ủy hội sông Mê Kông cần hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ dòng sông này” - bà Ame đề cập.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết hồi nhỏ ông thường xuyên thấy những đàn cá heo nước ngọt - loài cá đặc hữu của Mê Kông ở khu vực ngã ba sông Vàm Nao (ngã ba sông Tiền - sông Hậu). Nhưng tới nay thì loài cá này hoàn toàn biến mất. Là người gắn bó lâu năm với dòng Mê Kông, ông Nhị mong muốn dòng sông quốc tế này sớm được bảo vệ để đảm bảo hài hòa lợi ích cho tất cả quốc gia trên lưu vực.
TRUNG THANH