Nguồn gốc tài sản ấy ở đâu ra và xử lý chúng như thế nào? Hai câu hỏi này không chỉ dành cho biệt phủ của ông Quý...
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về vấn đề này. “Quan chức cứ giàu lên nhanh chóng là một rủi ro rất lớn cho hệ thống. Người ta thấy rõ ràng là chức tước mang lại sự giàu có và đạo đức công vụ không phải là cái phanh hãm lại sự trỗi dậy của những thứ bất minh” - TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Quyền, tiền song hành
. Phóng viên: Thưa ông, vậy ông nhận định gì về kết quả thanh tra tài sản đối với ông Phạm Sỹ Quý mà tên tuổi đã gắn với vụ “biệt phủ Yên Bái”?
+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Có thể nói đây là lần đầu tiên một cuộc thanh tra tài sản của quan chức được tiến hành và công bố. Nhưng rõ ràng những vấn đề thanh tra ra được có vẻ là không to tát gì cả.
. Không chỉ trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, mà có nhiều trường hợp quan chức có những khối tài sản không tương xứng với mức lương và thu nhập thực tế. Ông lý giải điều này thế nào?
+ Quan chức trong nền kinh tế của ta nắm quá nhiều quyền năng trong khi cơ chế giám sát không theo kịp. Vì vậy khả năng dùng quyền năng để giàu có là rất lớn.
Mới đây thôi, có đại biểu Quốc hội khi bàn về dự án cảng hàng không Long Thành nói: “Đất xung quanh Long Thành, cán bộ ta mua sạch rồi!”. Nếu đây là sự thật thì chắc chắn những cán bộ mua đất đã biết thông tin về quy hoạch này từ lâu trong khi dân không biết. Và sự bất đối xứng thông tin ấy đã đem lại lợi ích cho cán bộ, quan chức. Trong khi đó, đạo đức quy định không được sử dụng quyền lực công vì lợi ích tư; vì đối với cán bộ, công chức, lợi ích công phải là tối thượng.
. Vậy thì phải làm sao để giải quyết vấn đề tài sản bất minh của quan chức, thưa ông?
+ Chúng ta đã nói đến và có trách nhiệm giải trình nhưng lại không có chế tài. Nếu nói đi bán chổi đót, chạy xe ôm mà lại có khối tài sản như biệt phủ mấy chục tỉ đồng… thì tức là không giải trình được.
Với cách thức vận hành và khung khổ pháp luật hiện nay thì quan chức giải trình ngô nghê thế cũng không có cách gì chế tài trách nhiệm được, ngoài sự chê cười của công chúng.
Biệt phủ của gia đình giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Ảnh: BL
Mất chức là áp lực
. Có người cho rằng: Nếu quan chức không giải trình được tài sản thì cứ tịch thu sung công, thưa ông?
+ Vậy thì rủi ro pháp lý rất lớn. Thực chất có những người giàu có lên theo kiểu “hợp pháp vừa phải”. Sự giàu lên của nhiều người chưa chắc đã là vi phạm pháp luật nhưng vi phạm đạo đức thì có. Nếu quan chức vi phạm đạo đức thì phải bị mất chức chứ không bị đi tù. Vấn đề là như vậy. Mà khi vi phạm đạo đức về mặt tài sản thì cũng không thể tịch thu tài sản đó. Bởi khi họ chiếm hữu thì tức là họ đã xác lập quyền sở hữu với khối tài sản ấy.
. Nếu vậy thì có vẻ không thỏa mãn ý muốn của công chúng, thưa ông. Bởi dù nói gì đi nữa thì tài sản bất minh cũng là cái gai trong mắt công luận.
+ Có thể đặt vấn đề thế này, nếu anh không giải trình được thì đó là căn cứ để thanh tra. Khi thanh tra, phát hiện thấy yếu tố cấu thành tội hình sự thì mới chuyển sang điều tra, khởi tố… Nhưng rõ ràng nếu làm không khéo thì lại vi phạm chuẩn mực của pháp quyền. Bởi chống tham nhũng rất quan trọng nhưng bảo vệ nguyên tắc pháp quyền cũng quan trọng không kém.
. Vậy chẳng lẽ không có biện pháp vẹn toàn cho câu chuyện tài sản bất minh?
+ Tôi đã nói là phải đẩy mạnh trách nhiệm giải trình. Ví dụ: Tất cả quan chức có biệt phủ, tài sản được công luận quan tâm thì phải giải trình công khai. Nếu không giải trình được thì phải mất chức. Hoặc nếu giải trình mà quá lố như kiểu “chổi đót, xe ôm” hoặc không giải trình được thì phải thanh tra. Nếu thanh tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải chuyển sang điều tra… Cứ tuần tự như vậy thì chống tham nhũng sẽ đạt được mục đích tối thượng là công lý.
. Nhưng tôi thấy đâu có mấy người mất chức vì chuyện không giải trình được.
+ Có chứ! Mới hôm qua ông Phạm Sỹ Quý đã mất chức giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Dĩ nhiên, chuyển ông Quý sang chức vụ khác lại là câu chuyện cần bàn. Hay mới đây, ông Nguyễn Xuân Anh đã mất chức bí thư TP Đà Nẵng sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông có những vi phạm các nguyên tắc của Đảng về xe, nhà… Xa hơn chút nữa thì đó là trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa mất chức thứ trưởng Bộ Công Thương.
Chế độ trách nhiệm chính trị thực ra là rất hữu hiệu trong chống tham nhũng.
Liêm sỉ đâu có xa xỉ
. Nhưng họ mới chỉ mất chức trong khi dường như công luận lại đòi hỏi có những cách xử lý nặng hơn.
+ Thực tế pháp luật không phải là công cụ có thể xử lý mọi việc. Trách nhiệm giải trình và trách nhiệm chính trị là công cụ xử lý ở tầm cao hơn rất nhiều. Loại trách nhiệm này buộc quan chức phải giữ gìn để không vi phạm đạo đức.
Chế độ trách nhiệm ấy khiến quan chức ở các nước khác có liêm sỉ. Chẳng hạn nếu bị phát hiện đi máy bay với hạng vé không phù hợp thì quan chức đã phải từ chức rồi. Hay ở Nhật Bản, nghị sĩ chỉ ngủ gật trong quốc hội cũng đã phải từ chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói xây dựng chính phủ liêm chính thì cũng có nghĩa là nếu quan chức không giải trình được thì phải mất chức hay chủ động từ chức. Chứ không thể nào có người thân làm ở công ty nọ, công ty kia mà không chịu từ chức. Pháp luật không quy định điều đó nhưng đạo đức và liêm sỉ buộc như vậy.
Nếu quan chức có biệt phủ, tài sản không tương xứng với thu nhập thì phải… mất chức, chắc chắn không ai dám bất minh.
Một điều khoản ân xá
. Dù vậy, tôi thấy vẫn không giải quyết được câu chuyện tài sản bất minh của quan chức.
+ Từ năm 2005, khi xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng, đã có chuyên gia từ Singapore tư vấn chúng ta phải có điều khoản ân xá. Tức là cho phép quan chức kê khai tài sản cách trung thực và từ thời điểm kê khai đó thì tài sản đó được coi là hợp pháp. Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi lần này, tôi cho là cũng nên tính đến điều khoản ân xá này. Theo đó, các quan chức đều được cho phép kê khai tất cả tài sản mình có ở thời điểm nhất định và tài sản đó là hợp pháp.
. Nhưng vậy thì khối tài sản được coi là bất minh ấy sẽ được hợp thức hóa và công luận sẽ bất bình.
+ Chúng ta phải nhìn xa hơn. Bởi nếu không có điều khoản ân xá ấy thì khối tài sản bất minh ấy sẽ nằm im trong vàng, đôla, bất động sản, thậm chí là bị chuyển ra nước ngoài.
Nếu được hợp pháp hóa thì rõ ràng khối tài sản ấy sẽ được bung ra kinh doanh, sinh sôi nảy nở, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội. Nếu không, như tôi nói, nó cứ nằm im và đó là sự lãng phí nguồn lực khủng khiếp nhất.
Quan trọng hơn, một điều khoản ân xá như vậy sẽ giúp tài sản quốc gia sau này không bị bòn rút để chảy vào túi riêng. Và công cuộc chống tham nhũng sẽ không có một cột mốc chính xác để ngày càng trở nên thực chất.
. Xin cám ơn ông.