Bộ Chính trị gỡ vướng thí điểm hợp nhất bộ máy

“Kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm đổi mới, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết Trung ương VI giúp cho các địa phương tháo gỡ vướng mắc của mình” - bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, bình luận với Pháp Luật TP.HCM ngày 16-8.

Kết luận này đề cập tới sáu thí điểm lớn, như người đứng đầu ban đảng đồng thời đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; hợp nhất về mặt tổ chức cơ quan ban đảng với cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch MTTQ cấp huyện; hợp nhất cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện có chức năng, nhiệm vụ gần nhau, liên quan nhiều tới nhau như giao thông với xây dựng, kế hoạch với tài chính; hợp nhất ba văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh…

Các định hướng nêu trên đã được Hội nghị Trung ương VI, tháng 10-2017 thảo luận, ban hành trong Nghị quyết 18. Tuy nhiên, từ trước đó Quảng Ninh và một số tỉnh khác đã thí điểm ở cấp huyện - là cấp mà cán bộ ở đó thuộc quyền quản lý của tỉnh ủy. Chẳng hạn, hợp nhất về mặt tổ chức cơ quan ủy ban kiểm tra (UBKT) với cơ quan thanh tra; cơ quan ban tổ chức với phòng nội vụ; chủ nhiệm UBKT đồng thời là chánh thanh tra và trưởng ban tổ chức đồng thời là trưởng phòng nội vụ…

Nghị quyết số 18 được ban hành tháng 10-2017 sau Hội nghị Trung ương VI khóa XII. Ảnh: TTXVN

“Từ thực tiễn thí điểm với cấp huyện ở Quảng Ninh là cơ sở để chúng tôi kiến nghị, tham mưu cho các ban đảng ở Trung ương, để rồi Trung ương ban hành Nghị quyết 18, cho phép thí điểm cả ở cấp tỉnh. Nhưng Nghị quyết 18 chỉ quy định các vấn đề chung nhất, khi địa phương đi vào triển khai tiếp thì thấy vướng nên báo cáo để Bộ Chính trị có kết luận tháo gỡ, nhất là các vấn đề về trình tự, thủ tục” - bà Hoàng giải thích.

Chẳng hạn, một câu hỏi là sau khi hợp nhất, cán bộ, công chức ở đó thuộc biên chế cơ quan đảng hay chính quyền? Bộ Chính trị kết luận: Hợp nhất rồi thì cả người đứng đầu và các cán bộ, công chức cơ quan hợp nhất đó thuộc biên chế cơ quan đảng, hưởng chế độ, chính sách của cơ quan đảng.

Về trình tự thì khi tìm được nhân sự phù hợp, theo kết luận: Đầu tiên kiện toàn chức danh bên đảng trước, tức là ban thường vụ phân công người đó làm trưởng ban tổ chức tỉnh ủy, huyện ủy rồi mới giới thiệu để HĐND cùng cấp bầu làm ủy viên UBND và chủ tịch UBND quyết định bổ nhiệm làm giám đốc sở hoặc trưởng phòng nội vụ.

Ngoài ra, hợp nhất cơ quan, nhất thể hóa người đứng đầu thì cấp phó sẽ nhiều hơn số lượng luật định. Bộ Chính trị gỡ vướng là bước đầu không được vượt quá số cấp phó cả hai cơ quan hiện có nhưng phải có lộ trình cơ cấu lại để đến năm 2021 thì số lượng cấp phó cơ quan hợp nhất theo đúng luật định…

“Quá trình thí điểm 3-4 năm qua của Quảng Ninh cho thấy có nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, số lượng thành viên UBKT bị khống chế bởi một quy định của Bộ Chính trị thì tới đây các cơ quan tham mưu sẽ nghiên cứu để Bộ Chính trị sửa đổi cho phù hợp với các địa phương thí điểm hợp nhất, nhất thể hóa kiểm tra-thanh tra” - bà Hoàng nói.

Về tổ chức lại đảng bộ khối doanh nghiệp (DN) cấp tỉnh được giao cho ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, theo một trong ba phương án:

Một là kết thúc hoạt động đảng bộ khối DN, chuyển các đảng bộ, chi bộ DN từ trực thuộc đảng ủy khối DN tỉnh, thành về trực thuộc cấp ủy phù hợp (cấp huyện hoặc cấp cơ sở).

Hai là hợp nhất đảng bộ khối các cơ quan cấp tỉnh và đảng bộ khối DN cấp tỉnh.

Ba là sắp xếp lại tổ chức, biên chế của đảng ủy khối DN cấp tỉnh, bảo đảm tinh gọn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm