Hà Nội: Có cơ quan 40% người là 'con cháu các cụ'

Sáng nay, 3-7, Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội đã tập trung thảo luận về Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, trong đó có vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ. 

Hà Nội: Có cơ quan 40% người là 'con cháu các cụ' ảnh 1
Ông Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc Đài PTTH Hà Nội.

Con cháu các cụ” không đuổi được

Đó là con số được ông Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc đài Phát thanh-Truyền hình (PTTH) Hà Nội, nêu ra tại hội nghị. Theo ông, Đài PTTH Hà Nội hiện có hơn 719 người, nhiều lao động nhất trong các đài PTTH địa phương. Trong số này có 500 biên chế, 200 hợp đồng. Trong 500 biên chế có tới 140 cán bộ chủ chốt. Và chỉ có 60% trong số 700 lao động có đủ năng lực làm việc tốt, 40% là yếu kém.

“Đi công tác cùng lãnh đạo TP, lãnh đạo đài Hà Nội không dám cử 40% cán bộ yếu kém này. 40% cán bộ này cũng không bỏ được, không loại được vì là con ông này, cháu bà kia từ Trung ương trở xuống thành phố” - ông Phán nói.

Theo ông Phán, đây là vấn đề tồn tại ở Đài THPT Hà Nội lâu nay. Một nguyên nhân khác khiến Đài PTTH Hà Nội không loại bỏ được số cán bộ yếu kém này do “họ không vi phạm kỷ luật”, nhưng làm việc thì rất làng nhàng. Theo đó, ông Phán đề nghị Thành ủy tăng cường hơn nữa công tác đánh giá cán bộ. Đặc biệt, tuyển chọn đầu vào cán bộ cơ sở cần chặt chẽ hơn nữa. Nếu không sẽ vẫn mở cửa cho một số người “làng nhàng” vào làm việc trong bộ máy hành chính.

Bằng cấp nhiều, làm việc chẳng bao nhiêu

Một vấn đề khác được giám đốc Đài PTTH Hà Nội nêu ra tại hội nghị là số lượng cán bộ có bằng cấp nhiều, thậm chí toàn bằng cấp “hoành tráng” nhưng làm việc thì chẳng ra sao. “Có những người đi học hết lớp này, lớp kia, thậm chí có ba bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm được gì… Tôi thấy ở cơ sở xuất hiện lớp lãnh đạo rất nhiều bằng nhưng không biết làm gì cả” - ông Phán nói.

Hà Nội: Có cơ quan 40% người là 'con cháu các cụ' ảnh 2
Bí thư quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải

Cùng nội dung này, Bí thư quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải nhận định nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều cán bộ đi học không phải để làm việc tốt hơn, nâng cao kỹ năng của mình để giải quyết công việc mà chủ yếu đi học để tô điểm cho lý lịch cá nhân hoành tráng.

Theo đó, ông Hải đề xuất, phải đổi mới trong công tác đào tạo cán bộ. Tiêu chí đi học của cán bộ, công chức phải gắn với vị trí việc làm, khung năng lực. Đặc biệt cần phải thực hiện đánh giá cán bộ, công chức sau khi đi học đào tạo, nếu không đáp ứng công việc phải điều chỉnh lại vị trí việc làm đề xuất, phải đổi mới trong công tác đào tạo. Tiêu chí đi học của cán bộ, công chức phải gắn với vị trí việc làm, khung năng lực.

Hà Nội: Có cơ quan 40% người là 'con cháu các cụ' ảnh 3
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Kết luận hội nghị về nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và cán bộ còn nhiều tồn tại, yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể như tính gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế; tính chủ động, phối hợp ngang trong tham mưu, đề xuất của một số cơ quan, đơn vị để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn hạn chế. Còn có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cải cách hành chính ở một số đơn vị chuyển biến còn chậm…

Theo đó, bí thư Hà Nội đề nghị Hà Nội cần phải nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này, thực hiện tốt chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả của đội ngũ công viên chức. “Đặc biệt phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị” - ông Hải nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.