Bổ nhiệm con quan và chuyện ‘đúng quy trình’

Chiều 24-12, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh về thực trạng con quan làm lãnh đạo và bổ nhiệm thần tốc được phanh phui thời gian qua.

Núp bóng quy trình để cài cắm con cháu

. Phóng viên: Vừa qua hàng loạt vụ bổ nhiệm thần tốc con cháu, người nhà của lãnh đạo rồi tình trạng cả họ làm quan ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Giang đã được làm rõ. Gần đây nhất Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã kết luận vụ cha con nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, vụ nâng đỡ không trong sáng ở Thanh Hóa. Nguyên nhân của hiện tượng này nằm ở đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh

+ Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Cái chính là người đứng đầu đó và cán bộ có con em được bổ nhiệm thần tốc đều không gương mẫu. Vì nếu gương mẫu và thấy rằng con em mình chưa đạt được tiêu chuẩn đó thì không nên bổ nhiệm. Nhưng vì nôn nóng, vì lý do này khác mà bằng mọi cách họ đưa con cháu, người nhà mình vào vị trí đó núp dưới danh đúng quy trình.

. Vì sao tình trạng bổ nhiệm con cháu, người thân trước đây ít xuất hiện nhưng khoảng 10 năm nay lại nở rộ như vậy? Điều này do quy trình, quy định về bổ nhiệm cán bộ còn sơ hở, hay do ngày càng có nhiều lãnh đạo thiếu gương mẫu nên mới có chuyện anh bổ nhiệm con anh được thì tôi cũng bổ nhiệm con tôi, cấp trên làm được thì cấp dưới làm theo?

+ Thực ra thì những năm trước không phải là ít đâu. Nhưng những năm gần đây Đảng ta đã đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, đặc biệt từ khi Tổng Bí thư trực tiếp làm trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN) thì chúng ta đã có sự kiên quyết, làm mạnh mẽ cho nên đã phát hiện và xử lý nhiều hơn những trường hợp như vậy.

Từ trước đến nay, các quy định, quy trình bổ nhiệm cán bộ của ta cũng rất chặt chẽ, tuy nhiên thực tế là người thực hiện quy trình đó họ không gương mẫu. Quy trình là do con người thực hiện, người đứng đầu không gương mẫu nên núp bóng quy trình để cài cắm con cháu, người thân vào chức vụ đó. Tức là vẫn qua các bước trong quy trình, lấy ý kiến chỗ nọ chỗ kia, cũng thông qua thường vụ, cấp ủy… nhưng lại bổ nhiệm những người không đủ tiêu chuẩn, không xứng chức. Cán bộ ở đó lại nể nang, sợ va chạm, không dám đấu tranh kiên quyết cho nên khi đưa ra giới thiệu thì đều đồng ý.

. Nạn bổ nhiệm thần tốc con cháu, người nhà lãnh đạo để lại hậu quả gì, thưa ông?

+ Lãnh đạo không gương mẫu mà thực hiện như thế thì nhân dân và đảng viên đều biết cả. Cán bộ không đủ tiêu chuẩn, năng lực nhưng lại đưa lên vị trí đó thì rất nguy hại. Không chỉ ảnh hưởng cho một cơ quan đó, mà một ngành, một tỉnh đó cũng bị ảnh hưởng, thậm chí khiến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước bị trì trệ. Đặc biệt là lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước sẽ giảm sút, như Đảng đã nói đó là nguy cơ đối với chế độ, nguy cơ mất Đảng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo là một trong những trường hợp mới đây được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có sai phạm trong bổ nhiệm tại Quảng Nam. Ảnh: TN

Chặt chẽ đến đâu cũng có thể bị lợi dụng

. Vậy giải pháp căn cơ để ngăn vấn nạn bổ nhiệm người nhà, người thân lãnh đạo này là gì, thưa ông?

+ Vừa rồi Đảng và Nhà nước đã hoàn thiện lại các quy định, quy chế về phân cấp và quản lý cán bộ (Quy định 105 ngày 19-12 của Bộ Chính trị); quy định luân chuyển cán bộ; thay quy trình bổ nhiệm cán bộ bằng năm bước thay vì ba bước như trước đây. Tức là chúng ta đã hoàn thiện về mặt quy định, quy chế, hành lang pháp lý để công tác bổ nhiệm cán bộ được làm một cách chặt chẽ hơn…

Tiếp nữa là chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc PCTN xử lý một cách kiên quyết, mạnh mẽ, triệt để, không có vùng cấm như vừa rồi. Mặt khác cũng cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự giám sát của nhân dân. Vừa rồi qua phản ánh của nhân dân, báo chí đã phát hiện ra những vụ việc như ở Quảng Nam, Thanh Hóa và UBKT Trung ương đã vào cuộc xử lý nghiêm minh.

. Còn việc công khai, minh bạch trong công tác nhân sự, hay tổ chức thi tuyển cạnh tranh các chức danh như một số nơi làm thí điểm thời gian qua thì sao, thưa ông?

+ Về giải pháp công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ chúng ta cũng đã có và nêu rồi nhưng thực hiện không nghiêm. Như tôi đã nói, trong quá trình bổ nhiệm vẫn là công khai, vẫn nói làm đúng quy trình nhưng bản thân người thực hiện không gương mẫu, lợi dụng quy trình để bổ nhiệm con cháu, người nhà.

Về thi tuyển các chức danh như Bộ Nội vụ, Quảng Ninh, Ban Tổ chức Trung ương làm thời gian qua, hay Đà Nẵng trước đây cũng thực hiện thi tuyển phó giám đốc, giám đốc sở… là cách làm cần phát huy. Tuy nhiên, cái chính vẫn là sự gương mẫu của người đứng đầu, của lãnh đạo tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về bổ nhiệm cán bộ.

. Theo ông phân tích thì cho dù giải pháp nào cũng vẫn phụ thuộc vào tính tự giác, gương mẫu của người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị. Nhưng vấn đề nhân sự trước nay vẫn coi là mật, đây là mâu thuẫn khiến người dân không giám sát được người đứng đầu đó có cất nhắc con cháu, người nhà hay không?

+ Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ bây giờ cũng đã từng bước công khai rồi. Giống như việc kê khai tài sản cán bộ cũng đang từng bước công khai, minh bạch. Nhưng kể cả công khai mà anh vẫn cứ lợi dụng quy trình thì công tác cán bộ, chính sách của Đảng, Nhà nước vẫn bị thực hiện méo mó.

Về công tác nhân sự từ trước đến giờ có công khai chứ, đều lấy ý kiến trong chi bộ, đảng ủy… sau đó lãnh đạo mới ra quyết định. Nhưng đưa ra lấy ý kiến có ai nói đâu. Dẫn tới tình trạng tập thể hợp thức hóa cho ý kiến của cá nhân. Tinh thần đấu tranh, trách nhiệm không được cao, vì người ta nể nang, né tránh, ngại đụng chạm.

Do đó, những trường hợp nào đã phát hiện lãnh đạo bổ nhiệm con cháu, người nhà, đệ tử không xứng chức thì phải xử lý nghiêm để cho các trường hợp khác nhìn vào đó dù muốn làm cũng không dám làm nữa. Tức cần xử lý nghiêm cả đối tượng được bổ nhiệm rồi và cả những người quyết định bổ nhiệm đối tượng đó. Như ở Quảng Nam, đồng chí cựu bí thư tỉnh ủy cũng phải xử lý, con đồng chí ấy cũng phải xử lý; cha con chủ tịch UBND tỉnh cũng xử lý…

. Xin cám ơn ông.

Bản thân ông có đề xuất gì để ngăn vấn nạn bổ nhiệm con cháu lãnh đạo, cả họ làm quan…?

+ Theo tôi, cái chính là từ nay việc rà soát, thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước ta trong công tác cán bộ phải làm mạnh mẽ, triệt để hơn, cương quyết hơn từ cấp trung ương cho đến cơ sở. Như vừa rồi chúng ta nói nhiều đến việc thừa cấp phó, biên chế phình to, bộ máy cồng kềnh. Việc này đã theo phân cấp rồi, ở cấp nào thì cấp đó phải quyết định, ví dụ cấp thứ trưởng là Ban Bí thư. Người dân mong muốn cấp trung ương phải đi đầu gương mẫu, để lấy đó làm bài học cho cấp cơ sở.

Đồng thời cũng phải làm ngay những vụ đã có dư luận, báo chí phản ánh. Nơi nào đã có ý kiến của nhân dân, báo chí đã phát hiện nêu ra thì phải làm kiên quyết, vào cuộc. Ở tỉnh vào cuộc không có kết quả thì trung ương phải vào cuộc để làm cho triệt để.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm