“Bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mỗi tuần sẽ đi làm một lần bằng xe buýt”. Đó là lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng với Pháp Luật TP.HCM tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ ngày 5-10. Ông Thăng cũng khẳng định thời gian tới sẽ công bố đề án, biện pháp hạn chế xe cá nhân và sẽ áp dụng nếu đa số người dân chấp nhận.
Dân chấp nhận mới thực hiện
. Dư luận rất quan tâm đến chủ trương hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM. Chủ trương này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
+ Bộ trưởng Đinh La Thăng: Hạn chế xe cá nhân là một chủ trương lớn và nhất định chúng ta phải thực hiện nhằm đẩy lùi tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, hạn chế bằng những biện pháp nào thì các cơ quan chức năng của Bộ và hai TP còn đang nghiên cứu. Dự kiến cuối năm nay, đề án hạn chế xe cá nhân với những biện pháp, lộ trình cụ thể được hoàn tất và chúng tôi sẽ công khai dự thảo để lấy ý kiến người dân. Khi được đa số ý kiến người dân chấp thuận, chúng tôi sẽ tập hợp lại và trình Chính phủ ban hành trong quý I-2012.
. Trước đây, ngành giao thông đã đi đầu trong thực hiện thí điểm bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Sắp tới, Bộ GTVT có tiếp tục tiên phong thực hiện hạn chế đi xe cá nhân đến nơi làm việc không?
+ Chắc chắn Bộ sẽ thực hiện điều này một cách nghiêm túc. Cụ thể, từ bộ trưởng cho đến các thứ trưởng mỗi tuần sẽ dành ít nhất một ngày đi làm bằng xe buýt.
. Nhiều ý kiến cho rằng trước tiên cần đổi mới, nâng cao chất lượng, số lượng phương tiện vận tải hành khách công cộng rồi hãy hạn chế xe cá nhân. Quan điểm của ông thế nào?
+ Chúng ta không thể chờ phương tiện vận tải công cộng phát triển rồi mới hạn chế xe cá nhân, mà phải thực hiện đồng bộ với nhiều biện pháp quyết liệt. Tôi đã bí mật đi thử xe buýt thì thấy phương tiện này cũng có những hạn chế nhất định, như việc khoán chuyến khiến lái xe phải phóng nhanh cho kịp giờ, đủ chuyến. Sắp tới, Bộ sẽ đề nghị các cơ quan quản lý xe buýt chấn chỉnh những yếu kém để xe buýt ngày càng thu hút hành khách hơn. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tổ chức hội thảo về vận tải hành khách công cộng, mục đích để làm sao xe buýt ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thành công việc hạn chế xe cá nhân.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Không thể chờ phương tiện vận tải công cộng phát triển rồi mới hạn chế xe cá nhân. Ảnh: HTD
Cần nhiều giải pháp để kéo giảm TNGT
. Tình trạng đua xe đang diễn ra một cách nghiêm trọng, trong đó nguyên nhân một phần do biện pháp xử lý còn chưa nghiêm. Theo ông có cần tăng mức phạt hoặc tịch thu phương tiện tham gia đua xe không?
+ Đúng là tình trạng đua xe đang khiến dư luận bức xúc. TP.HCM cũng đã kiến nghị phải tịch thu phương tiện của các đối tượng tham gia đua xe. Tôi đồng tình với việc phải xử lý nghiêm hành vi trên và bản thân từng kiến nghị không chỉ tịch thu mà phải tiêu hủy phương tiện đua xe. Đề xuất trên chưa được chấp thuận vì nhiều lý do nhưng sắp tới tôi sẽ tiếp tục kiến nghị việc này.
. Là người đứng đầu ngành GTVT, ông có thể cam kết trong thời gian tới tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) sẽ giảm?
+ Để kéo giảm ùn tắc và TNGT, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, người thi hành công vụ, nâng cao ý thức người đi đường, xử phạt mạnh người vi phạm… Thực hiện tốt các giải pháp này, chắc chắn tai nạn và ùn tắc giao thông sẽ giảm.
Xin cám ơn ông.
Tiếp tục bàn về “bằng lái con” Về đề xuất phải có phiếu kiểm soát lái xe (KSLX) mới được điều khiển phương tiện, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Đề xuất đó được Bộ Công an đưa ra nhằm tăng cường công tác quản lý người lái xe. Theo ngành công an, trước đây khi thực hiện bấm lỗ giấy phép lái xe thì lái xe rất sợ, nhờ đó các vi phạm được kéo giảm. Nhưng sau khi bỏ quy định trên thì tình trạng vi phạm giao thông lại tăng. “Cá nhân tôi ủng hộ phương án này, vì như thế chúng ta sẽ kiểm soát người điều khiển phương tiện tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Tới đây, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia sẽ tiếp tục bàn bạc về vấn đề này” - ông Thăng nói. Trái lại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng việc ban hành phiếu KSLX là không phù hợp quy định của pháp luật, không góp phần làm giảm TNGT mà chỉ làm tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà và làm tốn kém tiền của nhân dân. |
THÀNH VĂNthực hiện
Bắt được kẻ đua xe phạt cải tạo, xe đem tiêu hủy là hợp lý, vì tiền này là tiền dư thừa của một bộ phận con nhà giàu ham chơi, đua đòi, lêu lổng. Tiền của một số đối tượng bố, mẹ làm quan chức tham ô, nhận hối lộ của dân. Phải tiêu hủy mới mong giảm bớt nạn đua xe, nếu bán đấu giá kẻ khác mua lại đua, cũng bằng không.
Bắt được xe đua nên tiêu hủy hết, hợp lý nhất. Đó là ý kiến tuyệt vời nhất.
Tôi nhất trí với ý kiến anh Lê Văn Thêm, còn đối với người vi phạm tôi đề nghị đưa đi cải tạo tư tưởng bằng cách cho tập trung lao động để tạo ra của cải, khi nào giá trị tạo ra tương đương chiếc xe bị thiêu hủy thì mới cho về. Đồng thời cơ quan công an thông báo vụ việc vi phạm về cho cơ quan cha, mẹ của người vi phạm; thủ trưởng của những người này nên giải quyết cho họ nghỉ việc không ăn lương một năm để họ có điều kiện ở nhà giáo dục con cái vì không tề gia được thì làm sao nói chuyện trị quốc.
Người sử dụng phương tiện sai thì xử phạt, thậm chí phạt nặng. Còn phương tiện thì sao lại đem đi thiêu hủy? Tốt nhất là tịch thu và đấu giá sung công quỹ.
Làm việc gì mang lại hiệu quả tốt thì cứ nên làm. Tôi đồng ý việc đua xe trái phép là tịch thu xe và phạt lao động công ích. Trước đây đã thực hiện phiếu kiểm soát lái xe rồi bỏ, bây giờ lại thực hiện là không thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn, mà chỉ tạo cơ hội cho cảnh sát giao thông mãi lộ.
Tôi đồng tình với Bộ trưởng nên tiêu hủy xe đua. Vì thu rồi bán đấu giá rất dễ xảy ra tiêu cực, rồi xin xỏ, tốt hơn hết là bắt rồi tiêu hủy ngay để răn đe. Tôi nghĩ chúng ta hy sinh khoản vài ngàn chiếc xe là hết đua xe thôi. Tôi rất đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng.
Tôi không đồng tình với ông Thăng, dù gì thì xe đua cũng là tài sản xã hội, nên tịch thu, bán đấu giá.
Tôi đồng ý cải tạo giam giữ những đối tượng đua xe. Nếu pháp luật chưa có điều lệ này thì bổ sung. Những gì làm hại tới tính mạng và tài sản của người dân thì cần phải xử nghiêm.
Tôi rất hoan nghênh và hy vọng những lời phát biểu của Bộ trưởng sẽ thành hiện thực. Về vấn đề đua xe, theo quan điểm của tôi ngoài việc tịch thu xe cần cho những đối tượng này đi cải tạo tại các trường giáo dưỡng từ 6 tháng tới một năm. Vì hành vi đua xe rất nguy hiểm cho người đi đường, nó có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
Ngoài phạt tiền, thu phương tiện còn phải phạt lao động công ích (3-5 ngày) đối với các hành vi đua xe. Xã hội đang còn rất nhiều công trường xây dựng cần lao động thô sơ. Đối tượng đua xe phải tham gia lao động như vậy là phù hợp.
Theo tôi ngoài hành vi đua xe trái phép còn có các hành vi vi phạm an toàn giao thông khác nữa cũng nguy hiểm không kém. Tất cả đều phải phạt tiền thật nhiều hoặc hơn nữa là tịch thu luôn xe thì tai nạn giao thông và ùn tắt giao thông mới hy vọng giảm đi.
Đồng ý với bạn "Hai Lúa". Tại sao lại tiêu hủy mà không bán đấu giá? Thiếu gì cách sử dụng tiền đấu giá này, như là:
- Tưởng thuởng công an, hiệp sĩ đường phố bắt cướp.
- Tưởng thưởng những ai tố cáo bọn côn đồ giết người.
- Đầu tư, mua thêm dụng cụ, phương tiện bắt cướp...
Cả ngàn việc khác hữu ích để sử dụng.
Tôi có một số ý kiến cũ nhưng chưa làm nốt:
1. Các phương tiện tham gia giao thông cần phải sang tên khi cho, tặng, mua bán, để cơ quan quản lý dễ dàng xử lý hơn (nhất thiết phải làm cho bằng được).
2. Phải có xe chuyên chở học sinh, sinh viên đi và về (số lượng học sinh, sinh viên không nhỏ).
3. Phân luồng lại tại ngã tư cho hợp lý (khi quẹo trái dẫn đến kẹt xe khi đèn xanh vừa hết...).
4. Nên đặt trạm dừng xe buýt xa ngã tư hơn.
5. Xử lý triệt để làn đường dành cho xe (còn chạy lộn xộn).
Trên đây là ý kiến của cá nhân tôi, và cũng xin mọi người tham gia giao thông an toàn đúng luật.
Bộ trưởng đề nghị tiêu hủy phương tiện đua xe là đúng nhất, vì nếu tịch thu đấu giá thì lại tạo cơ hội cho những yên hùng khác. Tôi ủng hộ cách của bộ trưởng, khi kỷ cương phép nước thật mạnh thì mới tạo được ý thức tốt cho mọi người dân chúng ta.
Việc cấp phiếu kiểm soát lái xe có thực hiện hay không thì tình hình vẫn không thay đổi được nhiều đâu. Trước đây bấm lỗ có giảm là do lượng xe chưa nhiều.
Quan trọng là thay đổi ý thức của người dân bằng các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là qua tivi, chuẩn bị chương trình thời sự ta có thể phát một đoạn clip về tai nạn giao thông hay văn hóa lái xe, xem nhiều cũng ảnh hương đến ý thức.
Hiện nay thông tin quảng cáo thì nhiều nhưng liên quan giáo dục các loại văn hóa hầu như rất hiếm. Nếu có điều kiện, biện pháp sử dụng camera cũng rất hiệu quả, nước ngoài họ sử dụng camera thôi, rất ít thấy cảnh sát.
Những đối tượng nào đua xe thì ai cũng biết. Họ thuộc loại người "cực lạc sinh cuồng" coi thường pháp luật, cậy tiền, cậy thế... thách thức chế độ. Không việc gì phải lăn tăn, dù họ là con ông trời cũng phải mạnh tay trừng trị.
Tôi ủng hộ hủy tất cả các xe đua trái phép như đề xuất của Bộ trưởng.
Tôi nghĩ nên có quy định mỗi xe tuyến đường dài phải có từ 2-3 tài xế trở lên, phải kiểm soát bằng lái, thay nhau lái.
Không biết Bộ trưởng nghĩ sao mà đòi tiêu hủy phương tiện đua xe, sao không đề nghị tịch thu, bán đấu giá, sung vào công quỹ để đầu tư cho hạ tầng giao thông có thể thuyết phục hơn?
Biết rằng nạn đua xe gây nhiều bức xúc trong nhân dân, để lại bao gánh nặng cho xã hội, nhưng trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tiêu hủy xe đua là lãng phí, mà nên tịch thu xe đua rồi bán đấu giá lấy tiền bán được làm từ thiện sẽ có ý nghĩa hơn.