XÂY Ồ ẠT THỦY ĐIỆN Ở LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI - BÀI 1:

16 ha rừng cho 1 MW điện

Đâu phải chỉ sự phát triển ồ ạt của thủy điện miền Trung và Tây Nguyên mới đáng ngại, mà ở Nam Bộ, các nhà khoa học và cơ quan chức năng cũng bắt đầu lo âu sự xuất hiện vùn vụt của các dự án thủy điện dọc lưu vực sông Đồng Nai - kéo theo nhiều hệ lụy.

Sông Đồng Nai dài gần 580 km, bắt đầu từ cao nguyên Lang Biang (Đà Lạt, Lâm Đồng) và kết thúc tại cửa Soài Rạp (huyện Gò Công, Tiền Giang), đi qua 11 tỉnh, thành của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Viện Năng lượng, hệ thống sông Đồng Nai có tiềm năng về thủy điện lớn nhất miền Nam và đứng thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau sông Đà.

Thủy điện mọc như nấm

Theo quy hoạch thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Đồng Nai (kể cả các nhánh sông lớn khác là La Ngà và sông Bé) do Chính phủ phê duyệt năm 2002, lưu vực này có tổng cộng 17 hồ chứa thủy điện. Đến thời điểm này, các thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận-Đa Mi, Trị An, Cần Đơn… đã vận hành. Song song đó, các hồ chứa Đồng Nai 2, 3, 4… đang dần hình thành để chuẩn bị cho sự hoạt động của hàng loạt thủy điện khác. đồng thời, nhiều nhà đầu tư đang tiếp tục xúc tiến, hoàn tất thủ tục để động thổ cho các thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A, La Ngâu, Bù Gia Mập...

16 ha rừng cho 1 MW điện ảnh 1

Sơ đồ thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Đồng Nai được duyệt và sơ đồ hiệu chỉnh thủy điện Đồng Nai 6 cho thấy thủy điện mọc chi chít. Ảnh tư liệu

Số lượng thủy điện thống kê trên không phải là con số cuối cùng, vì hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 được tách thành nhiều bậc và lần lượt là các dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A (do Công ty Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư). Công ty Đức Hòa cũng đề nghị bổ sung thêm một thủy điện bậc cuối cùng của dự án thủy điện Đồng Nai 6 được phê duyệt trước đó để “hớt” lượng nước từ các dự án thủy điện thượng lưu (Đồng Nai 2, 3, 4, 5, Đắk Tíh và Đồng Nai 6, 6A).

Chưa hết, nhiều công ty tư nhân khác như Công ty Sản xuất thương mại Nhất Phương, Công ty Đầu tư kinh doanh thép Nhân Luật… cũng đang nhăm nhe đầu tư một loạt dự án điện được hiệu chỉnh từ dự án thủy điện Đồng Nai 8 như Tà Lài, Phú Tân 1 và 2, Thanh Sơn, Ngọc Định trên địa bàn huyện Tân Phú và Định Quán, Đồng Nai. Công ty đầu tư và xây dựng công trình giao thông Hồng Lĩnh cũng được Bộ Công thương và các tỉnh liên quan thuận cho phép nghiên cứu bổ sung dự án Đạ Kho tại huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng.

Hồ dưới “chạm đít” hồ trên

Ba trong số chín thủy điện bậc thang trên sông Đồng Nai là Đồng Nai 5, Đồng Nai 6, Đồng Nai 8 nằm trong quy hoạch được duyệt từ năm 2002 từng bị bác do ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lùng sục các vị trí tốt để làm thủy điện bất kể ở “vùng cấm” với lời kháo: Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 triển khai được thì Đồng Nai 5 cũng sẽ được và tiếp đó là Đồng Nai 6...

Thực tế là Đồng Nai 5 đã được thông qua và đang chuẩn bị khởi công. Còn Đồng Nai 6 trước đây được đề xuất ngăn đập ở đoạn sông thuộc xã Phước Cát, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng với mực nước dâng bình thường trên 200 m, lòng hồ thủy điện làm ngập sông Đồng Nai hàng chục km, nhấn chìm hàng trăm hecta rừng vùng lõi và ảnh hưởng lớn đến các khu đầm lầy, sinh cảnh tự nhiên… của vườn quốc gia nên cũng không được chấp nhận. Nhưng hiện chủ đầu tư dự án này đang lập thành hai dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A sau khi có ý kiến đồng ý của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Một kỹ sư trong ngành đề nghị không nêu tên cho biết theo sơ đồ thì Đồng Nai 6 “giáp đít” Đồng Nai 5 và Đồng Nai 6A “giáp đít” Đồng Nai 6. Nếu vẽ ra sơ đồ thẳng thì từ Đồng Nai 3 về đến Đồng Nai 6A khoảng 130 km, sông Đồng Nai bị chặn làm năm khúc tạo thành năm bậc thang.

Hứa nhưng chẳng thấy trồng rừng bù lại

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có đến 71 dự án thủy điện các loại với tổng công suất gần 1.150 MW. Trong đó, 57 công trình thủy điện đã được Bộ Công thương hoặc tỉnh phê duyệt với tổng công suất lắp máy là 364 MW. Hiện đã có trên 20 dự án được xây dựng và đưa vào khai thác và đã có hơn 15.000 ha rừng tự nhiên nhường chỗ cho các hồ chứa, làm đường giao thông, kênh dẫn, lưới truyền tải... Diện tích bị ngập nước lên đến gần 2.610 ha; đồng thời 3.110 ha đất đã trích để làm đường giao thông, kênh dẫn, lưới truyền tải điện. “Bình quân, cứ 1 MW điện thì phải mất 16 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng” - ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tính toán.

Theo quy hoạch các dự án thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai, chỉ riêng trên dòng chính sông Đồng Nai có đến chín công trình thủy điện với năng lực thiết kế gần 3.000 MW. Với công thức trên, diện tích đất rừng, đất sản xuất bị suy giảm đến 48.000 ha.

Tại một hội thảo khoa học về thủy điện mới đây, các nhà khoa học cũng thống kê: Chỉ riêng vùng thượng nguồn của sông Đồng Nai (tỉnh Lâm Đồng), thủy điện đã xóa trắng 15.000 ha rừng tự nhiên, mà thiệt hại lớn nhất là rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên.

Hầu hết các dự án thủy điện đều có cam kết trồng bù lại diện tích rừng bị mất đi. Tuy vậy, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho thấy hầu như chưa dự án nào thực hiện. Theo báo cáo kiểm tra các dự án thủy điện của Bộ Công thương gửi Thủ tướng thì việc thực hiện cam kết này tại hầu hết các dự án thủy điện hầu như không thể vì hiện không còn quỹ đất để trồng rừng.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm