Bám vào cơ chế để chối trách nhiệm

Dự kiến hôm nay (28-6), tại Bắc Ninh sẽ diễn ra hội thảo về thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị. Đây là một nội dung quan trọng mà Nghị quyết Trung ương 4 đặt ra cho công cuộc chỉnh đốn Đảng lần này. Chúng tôi trò chuyện với ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, người có nhiều quan tâm với vấn đề này.

. Phóng viên: Nghị quyết Trung ương 4 đã nhìn nhận rằng thực tế có nơi nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” được thực hiện rất hình thức mà mấu chốt nhất là không xác định rõ được cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân. Điều này dẫn tới những hệ lụy gì, thưa ông?

Bám vào cơ chế để chối trách nhiệm ảnh 1
+ Ông Trần Quốc Thuận, (ảnh) nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH: Đúng như những nhận định trong Nghị quyết Trung ương 4, hiện nay có tình trạng không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Thẩm quyền, trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân không rõ nên nhiều vụ việc không xử lý được vì không ai chịu trách nhiệm; có tình trạng thành tích thì nhận của cá nhân, còn khuyết điểm thì đổ cho tập thể.

Thực tế cũng cho thấy có những lãnh đạo khi hành xử, điều hành công việc thì thể hiện quyền uy rất dữ nhưng khi xảy ra chuyện gì không đúng lại vội vàng đổ cái này đã có quyết định, có chủ trương của tập thể này, tập thể kia. Dưới địa phương thì nói là chủ trương của cấp ủy, trên trung ương thì nói là của Bộ Chính trị. Cách nói đó cho thấy sự thiếu trách nhiệm, ít nhất cũng là thiếu lòng tự trọng để tự thấy rằng những sai sót đó là trách nhiệm của mình.

Quyền lực đi cùng chế tài

. Nghĩa là vì không rõ ràng nên có tình trạng vin vào chủ trương, chính sách đúng để biện minh cho những cái sai khi triển khai thực hiện?

+ Đúng là có tình trạng người ta hay bám vào cơ chế để chối trách nhiệm. Nhìn đi nhìn lại, các chủ trương rất ít khi sai nhưng tổ chức thực hiện thì sai nhiều và hậu quả thì tai họa. Ví dụ chủ trương mở rộng hoạt động của ngành tàu biển là quyết định đúng vì Việt Nam là nước có bờ biển dài, cần phải có những đội tàu mạnh. Nhưng khi triển khai lại đi mua ụ tàu quá đát, mua tàu cũ nát không hoạt động được, rồi tiêu cực đầy trong đó. Những vụ việc ấy cũng đã có người ở tù rồi nhưng những người lãnh đạo phụ trách lĩnh vực đó chưa thấy bị kiểm điểm, bị xử lý. Tôi cho đó là điều không bình thường.

Bám vào cơ chế để chối trách nhiệm ảnh 2

Chủ trương mở rộng hoạt động của ngành tàu biển là quyết định đúng đắn, nhưng khi triển khai thì lại đi mua ụ tàu quá đát, mua tàu cũ nát không hoạt động được. Trong ảnh: Ụ nổi No83M được sản xuất tại Nhật năm 1965 được Vinalines mua về phục vụ công tác sửa chữa tàu biển. Ảnh: INTERNET

. Thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp khi xử lý chỉ buộc được trách nhiệm về mặt chính quyền, còn trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy thì không chạm tới được, thưa ông?

+ Đó là sự không công bằng. Chính vì thế mà góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều ý kiến cho rằng phải có luật về sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo thì đúng rồi, không ai phủ nhận. Nhưng trách nhiệm, quyền hạn của Đảng đến đâu, khi Đảng quyết định sai thì phải xử lý thế nào… những điều này phải có pháp luật điều chỉnh, xác định rõ ràng. Tôi cho rằng thực hiện chỉnh đốn Đảng phải mổ xẻ vấn đề này. Quyền lực phải đi kèm với trách nhiệm và chế tài. Như thế thì Nghị quyết Trung ương 4 mới thiêng chứ không phải chỉ là liều thuốc an thần.

Thực thi dân chủ và nhà nước pháp quyền

. Một thẩm quyền rất quan trọng của người đứng đầu là chọn lựa, sử dụng cán bộ. Nhưng hiện nay khi cán bộ hư hỏng thì người đứng đầu không bị sao cả?

+ Thực tế qua vụ bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng và nhiều vụ khác thì thấy rất rõ. Nhiều ý kiến đề nghị phải có quy định ràng buộc trách nhiệm của lãnh đạo theo hướng cán bộ do anh chọn có sai phạm mà lẽ ra anh phải biết mà anh không biết thì phải chịu trách nhiệm. Tôi hoàn toàn ủng hộ những ý kiến này.

Trong buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây, cử tri cũng đã đặt câu hỏi về việc Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là đúng quy trình. Nhưng quy trình là để chọn ra người tốt chứ không phải chọn người tham nhũng, thoái hóa. Kết quả đó là sự tắc trách trong thực hiện quy trình và phải chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm sai. Chứ không phải anh cứ bảo làm đúng chủ trương, đúng quy trình là anh không có trách nhiệm gì.

. Theo ông, cần làm gì để phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa cá nhân với tập thể nhằm bớt đi những vụ sai mà không ai chịu như mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4 đặt ra?

+ Khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thì Đảng, cụ thể là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải xem lại tất cả quy định của mình có phù hợp hay không. Quyền lực bao giờ cũng đi kèm quyền lợi và cũng là nguyên nhân của lạm quyền. Do đó phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực, tránh tình trạng quyền lực tối cao không được kiểm soát và không bị kiểm soát. Bởi lẽ đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm tham nhũng tràn lan, không ai nói được ai.

Bên cạnh đó phải làm sao phát huy tối đa tính dân chủ để những nhân tố tích cực có điều kiện nảy mầm. Khi ấy Đảng sẽ mạnh, sẽ có những nhân tài xuất hiện. Và một điều không thể thiếu, đó là phải thực hiện nhà nước pháp quyền thật sự.

. Xin cảm ơn ông.

Khuyến khích những người dám làm

Phải tích cực thực hiện cải cách hành chính nhà nước và cải cách hành chính trong Đảng. Rà soát, loại bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.

(Trích Nghị quyết Trung ương 4)

THANH HOA thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm